Tiết kiệm điện – Không thể thờ ơ!

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Theo một báo cáo mới đây của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhu cầu tiêu thụ điện trong năm 2011 sẽ tăng thêm khoảng 18%, do vậy, lượng điện thiếu trong năm nay sẽ tăng gấp 3 lần so với năm ngoái. Điều này đồng nghĩa với việc cắt điện luân phiên tại các tỉnh, thành trên cả nước sẽ nhiều hơn và thường xuyên hơn.

Sẽ thiếu điện trầm trọng

Số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho thấy, hiện mực nước tại các hồ thủy điện trên cả nước thấp hơn nhiều so với những năm trước đây. Tổng lượng nước thiếu hụt vào khoảng 12 tỷ m3, đủ để sản xuất 3 tỷ kWh. Nếu so với năm ngoái, cả nước thiếu 1 tỷ kWh thì năm nay, lượng điện thiếu hụt trong khoảng 3-4 tỷ kWh.

Với việc thiếu 1 tỷ kWh trong năm 2010 đã khiến nền kinh tế nước ta gặp rất nhiều khó khăn, nhiều ngành sản xuất bị ảnh hưởng như may mặc, công nghiệp chế tạo. Đặc biệt, thiệt hại lớn nhất vẫn là ngành thủy sản vì phải dùng một lượng rất lớn điện năng để làm lạnh, chờ đông, cấp đông, đóng gói bảo quản… Nếu năm 2011, lượng điện thiếu hụt 3-4 tỷ kWh thì ngành thủy sản sẽ phải “hứng chịu” những thiệt hại nặng nề, khó lường trước được.

Tình trạng thiếu điện khiến các doanh nghiệp sản xuất thủy sản gặp khó khăn       Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Để đảm bảo nguồn điện cho sản xuất và tiêu dùng của cả nước, một trong những giải pháp mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhiều khả năng sẽ áp dụng là cắt điện tại các vùng nông thôn, các tỉnh có sản xuất nông nghiệp là chính. Nếu kế hoạch này được thực hiện thì các nhà máy chế biến thủy sản, chủ yếu xây dựng tại ở khu vực nông thôn, đặc biệt là tại các tỉnh thuộc ĐBSCL phải đối diện với việc cắt điện thường xuyên và liên tục!

Vẫn là chuyện ý thức tiết kiệm

Một nghiên cứu của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) về Hiệu quả sử dụng điện của ngành chế biến thủy sản tại Việt Nam được công bố trong một buổi hội thảo vào trung tuần tháng 1 tại TP.HCM cho thấy, trong số 21 doanh nghiệp chế biến thủy sản đều đạt tiêu chuẩn ISO:9001, gồm 11 nhà máy chế biến tôm, 10 nhà máy chế biến cá tra, tương đương 5,2% phân ngành chế biến thủy sản trong tổng số 193 nhà máy chế biến tôm, cá tra tại ĐBSCL phải trả cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam 212,5 tỷ đồng. Nghĩa là trung bình mỗi nhà máy phải chi ra hơn 10 tỷ đồng/năm để trả tiền điện. Đó là chưa kể đến thời gian bị cúp điện, các nhà máy này sử dụng máy phát điện dự phòng chạy bằng dầu với mức phát điện là 3 kWh/1 lít dầu.

Theo một cán bộ thuộc dự án nghiên cứu này của IFC thì hầu hết các nhà máy nằm trong đợt khảo sát đều chưa có nhiều hoạt động tiết kiệm năng lượng và gần một nửa số cán bộ kỹ thuật của các nhà máy không nhận thức được vấn đề sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng. Cụ thể, hầu hết các nhà máy nằm trong đợt khảo sát đều có chứng chỉ ISO, nghĩa là mức tiêu thụ điện năng ở mức thấp nhất có thể. Song thực tế, lượng điện năng mà những nhà máy này tiêu thụ mỗi ngày lớn hơn rất nhiều. Nguyên nhân là do yếu tố con người, những công nhân vận hành các thiết bị tại các khâu như cấp đông, nước đá, điều hòa không khí, trữ lạnh, chiếu sáng… chưa có ý thức về tiết kiệm điện vì tâm lý “cha chung không ai khóc”.

Thiếu điện sẽ gây ảnh hưởng tới hoạt động của kho lạnh thủy sản           Ảnh: Bảo Yến

IFC cho biết, năng lượng chiếm từ 15-20% chi phí sản xuất của mỗi kg thủy sản thành phẩm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến thủy sản vừa và nhỏ tại ĐBSCL vẫn chưa quan tâm nhiều đến việc tiết kiệm năng lượng để hạ giá thành sản xuất.

 

Kiến nghị

Từ những kết quả khảo sát đó IFC cho rằng, hiện trạng quản lý năng lượng của các nhà máy chế biến thủy sản khá thấp, đa số là dưới mức trung bình, mặc dù các nhà máy này đã trang bị một số hệ thống như Hệ thống quản lý chất lượng (ISO), Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HCCP). Nhưng lại thiếu Hệ thống quản lý năng lượng (EMS), mặc dù những hệ thống nói trên tương thích với EMS.

IFC cũng cho rằng, mặc dù các nhà máy được xây dựng với những hệ thống tiên tiến đến mấy thì việc tiết kiệm năng lượng lại phụ thuộc rất nhiều vào ban giám đốc các nhà máy, thể hiện mối quan tâm và muốn tiết kiệm năng lượng đến đâu. Vì mức độ quan tâm của ban lãnh đạo nhà máy chưa cao nên các nhà máy chưa xây dựng được hệ thống theo dõi, đo lường và ghi nhận mức độ tiêu thụ điện để giúp ban giám đốc phân tích và lên kế hoạch tiết kiệm điện.

Một khó khăn nữa khiến các nhà máy chế biến thủy sản đặt ra mục tiêu tiết kiệm điện là nhiều nhà máy chế biến thủy sản được thiết kế và xây dựng  từ các cơ sở trước đó, nhưng những nhà máy được xây dựng trước đây thì tính cấp bách về tiết kiệm điện năng chưa được các nhà thiết kế quan tâm nhiều. Do vậy, muốn tiết kiệm điện cho các nhà máy chế biến thủy sản thì ngoài công nghệ, ý thức “phải tiết kiệm điện” của cán bộ công nhân viên là rất quan trọng. “Các nhà máy chế biến thủy sản có thể giảm được 20% nguồn năng lượng sử dụng nếu biết đầu tư vào kỹ thuật tự phân tích số liệu sử dụng năng lượng cũng như ý thức tiết kiệm năng lượng của nhân viên cấp dưới”, báo cáo này chỉ ra.

 

IFC là thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. IFC hoạt động vì sự phát triển kinh tế bền vững của các nước phát triển thông qua các hoạt động phát triển khu vực tư nhân, cung cấp các dịch vụ tư vấn và giảm thiểu các rủi ro cho các doanh nghiệp và Chính phủ.

Tại Việt Nam, IFC đã triển khai dự án Sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn (CP-EE) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư hiện đại hóa để đạt hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm năng lượng, tăng trưởng năng suất và bảo vệ môi trường, trong đó, ngành chế biến thủy sản là một trong những ngành mà tổ chức này hướng tới.

 

Vũ Hạ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!