Trước thực trạng các nghề chài chụp, pha xúc… thường sử dụng đèn cao áp truyền thống, tiêu tốn nhiều năng lượng, Trung tâm Khuyến nông một số địa phương đã triển khai thử nghiệm ứng dụng công nghệ đèn LED trên tàu khai thác hải sản xa bờ; đáp ứng rất tốt định hướng tăng trưởng xanh, bền vững, an toàn và hiệu quả.
Tiết kiệm 12 triệu đồng/tháng
Sở NN&PTNT Quảng Ninh đã phối hợp với các đơn vị, triển khai thử nghiệm ứng dụng công nghệ đèn LED trên tàu khai thác hải sản xa bờ trên 3 tàu cá tại thị xã Quảng Yên, trong đó có 2 tàu nghề chài chụp và 1 tàu nghề pha xúc. Cụ thể: Tàu chụp của ông Nguyễn Văn Đãng có công suất máy 430 CV (máy phát 550 CV) là tàu lớn, hiện đại; trước khi thử nghiệm, tàu đã lắp đặt 400 đèn Siu (loại 1.000 W/bóng). Chủ tàu chỉ nhận thử nghiệm theo hình thức bổ sung (trang bị để sáng hơn, sử dụng khi phù hợp) nên lắp đặt 60 đèn LED có công suất 200W, với tỷ lệ thay thế 15%. Tàu chụp của ông Đỗ Văn Thành, công suất máy 350 CV (máy phát 550 CV); trước khi thử nghiệm, tàu có lắp đặt 350 đèn Siu (loại 1.000W/bóng). Chủ tàu chấp nhận thử nghiệm theo hình thức dần thay thế hoàn toàn. Hiện đã lắp đặt 250 đèn LED có công suất 200W, với tỷ lệ thay thế 72%. Tàu pha xúc của ông Nguyễn Đăng Dựng có công suất máy 680 CV (máy phát 90 CV); trước khi thử nghiệm đã lắp đặt 24 bóng đèn Siu (loại 1.500 W/bóng). Chủ tàu chấp nhận thử nghiệm theo hình thức dần thay thế hoàn toàn. Hiện đã lắp đặt 18 đèn Led loại 400W, với tỷ lệ thay thế 75%.
Ảnh minh họa
Qua theo dõi cho thấy: Sử dụng đèn LED đối với tàu pha xúc, chỉ tiêu sản lượng tăng không nhiều so sử dụng đèn truyền thống, tuy nhiên chỉ tiêu hiệu quả kinh tế được nâng lên từ số lượng dầu tiết kiệm hàng tháng đạt 12 triệu đồng/tháng.
Đối với tàu chài chụp, 2 tàu tham gia thử nghiệm cho thấy: Tàu của ông Nguyễn Văn Đãng với tỷ lệ thay thế bóng đèn LED là 15% nên hiệu quả kinh tế chưa rõ nét so với trước đây. Tàu của ông Đỗ Văn Thành có tỷ lệ thay thế bóng đèn LED là 72% nên hiệu quả kinh tế đã tăng rõ rệt, mức tiêu thụ dầu tương ứng là 16.000 lít so với 29.052 lít (giảm lượng dầu tiêu thụ mỗi đêm trên 180 lít); hiệu quả kinh tế sau khi trừ chi phí cao hơn các tàu có công suất tương đương khác đang sử dụng bóng đèn truyền thống từ 25 – 30%.
Giảm gần 50% chi phí nguyên liệu
Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Thanh Hóa phối hợp với Viện Hải dương học Việt Nam và Công ty CP Bóng đèn – Phích nước Rạng Đông tổ chức hội thảo “Ứng dụng đèn LED trong khai thác thủy sản” cho 30 hộ làm nghề khai thác ở các phường Quảng Tiến và Quảng Cư (TP Sầm Sơn).
Ngư dân Hoàng Văn Hùng, chủ tàu cá có công suất 380 CV, phường Quảng Cư cho biết, sau khi được tập huấn, trang bị kiến thức, anh đã đầu tư hệ thống bóng đèn 2 bên mạn và đuôi tàu cá với 110 bóng đèn siêu sáng, tổng công suất 110.000W, chi phí đầu hơn 250 triệu đồng. Với cường độ ánh sáng mạnh, tập trung kết hợp với kỹ thuật, kinh nghiệm trong khai thác nên mỗi chuyến vươn khơi gặp nhiều thuận lợi trong việc khai thác. Nhờ đó, sau ra 10 ngày khơi, sản lượng hải sản của anh đạt 8 – 10 tấn cá, tăng 1 – 2 tấn/chuyến so trước đây. Sau 3 năm sử dụng, anh Hùng nhận thấy đèn LED an toàn, độ bền cao, chống nước tốt và tiết kiệm đến 40 – 50% chi phí nhiên liệu so với đèn sợt đốt hay đèn huỳnh quang. Đèn LED có độ sáng trắng, độ chiếu sáng sâu, ánh sáng hữu dụng nhiều hơn, nên cá tập trung dày hơn.
Lâu nay, các tàu khai thác xa bờ đều sử dụng công nghệ ánh sáng bằng đèn huỳnh quang, thủy ngân, sợi đốt…, những công nghệ ánh sáng này đã ảnh hưởng xấu đến môi trường, lãng phí tài nguyên, tốn chi phí cho ngư dân. Trung bình mỗi tàu sử dụng 20 – 200 bộ đèn điện, tùy theo chủng nghề. Chính vì số lượng bóng đèn nhiều, nên nhiều ngư dân chưa đầu tư lắp đặt đèn LED, mà thường sử dụng đèn huỳnh quang, hoặc đèn sợi đốt.
Việc sử dụng đèn LED trong khai thác hải sản vẫn chưa được ngư dân áp dụng rộng rãi. Nguyên nhân chủ yếu do tập quán của đại đa số ngư dân thích sử dụng đèn sợi đốt, đèn huỳnh quang… Hiện tại, vẫn chưa có chỉ dẫn về trang bị đèn LED cho phù hợp với công suất phát sáng, cách lắp đặt trên tàu, cách vận hành thật sự khoa học, bài bản. Vì vậy, các ngành có liên quan, các địa phương, nhà sản xuất cần đẩy mạnh tuyên truyền để ngư dân hiểu được tính năng vượt trội của đèn LED ứng dụng trong khai thác hải sản. Có chính sách phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp và ngư dân sử dụng đèn LED trong khai thác hải sản để giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.
>> Sử dụng đèn LED có thể tiết kiệm chi phí nhiên liệu từ 50 – 70% so các loại đèn thông thường, tuổi thọ của đèn Led cao hơn gấp 5 – 10 lần so các loại đèn thông thường, hiệu suất phát sáng cao hơn… so với các loại đèn truyền thống khác. |
Anh Vũ