Nhu cầu tiêu thụ cá tra Việt Nam tại một số thị trường như Mỹ, EU, Trung Quốc… năm 2017 liệu có thể hồi sinh và tiếp tục tăng trưởng?
Những năm gần đây thực sự không dễ dàng với ngành cá tra Việt Nam. Sau khi tăng vọt từ năm 2000 – 2008, suy thoái kinh tế dẫn đến một vài thách thức nghiêm trọng đối với ngành. Năm 2015, nhu cầu tiêu thụ cá tra trên thị trường châu Âu giảm mạnh, giá bán trì trệ, đối thủ cạnh tranh tăng cao… đặt các nhà sản xuất cá tra Việt Nam vào thế khó khăn.
Năm 2016, VASEP dự đoán, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt khoảng 1,5 tỷ USD, giảm 5% so năm 2015 vì thuế chống bán phá giá, chương trình giám sát cá da trơn của Mỹ và sự cạnh tranh từ các loại cá thịt trắng khác trên thị trường. Về sản lượng, theo Intrafish, sản lượng cá tra thu hoạch trên toàn thế giới năm 2016 ước tính đạt 1,5 triệu tấn; trong đó, Việt Nam đạt hơn 900.000 tấn, giảm mạnh so 1,25 triệu tấn năm 2012.
Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam – Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Năm 2015, tổng khối lượng cá tra đông lạnh nhập khẩu vào Mỹ tăng gần 8% so năm 2014, phần lớn nguồn cung đến từ Việt Nam. Xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ 10 tháng đầu năm 2016 đạt 319,8 triệu USD, tăng 22,7% so cùng kỳ năm ngoái. Nhìn chung, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ duy trì ở mức ổn định từ năm 2011 đến nay. Dự báo năm 2017, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam bởi thị trường này ưa thích fillet cá tra thịt trắng Việt Nam. Trong khi đó, những quốc gia khác như Indonesia, Ấn Độ chỉ sản xuất fillet cá tra thịt vàng.
Một thách thức khác với thị trường cá tra Việt Nam chính là EU. Xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU liên tục sụt giảm 10 – 20% trong ba năm qua. Năm 2015, lượng nhập khẩu cá tra đông lạnh (nguyên con và fillet) giảm gần 14% so năm 2014, với sự suy giảm phần lớn từ các nhà cung cấp Việt Nam. Tây Ban Nha vẫn giữ vị trí là thị trường lớn nhất trong EU, mặc dù khối lượng nhập khẩu thấp hơn nhiều so với năm trước. Trong 10 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU chỉ đạt 217,7 triệu USD, giảm 11,5% so cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy triển vọng tiêu thụ cá tra Việt Nam vẫn không quá đen tối trong năm 2017 khi nông dân nuôi cá tra Việt Nam đã và đang áp dụng nuôi theo tiêu chuẩn châu Âu để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng tại thị trường này.
Số liệu của VASEP cho thấy, 10 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc đạt 235,5 triệu USD, tăng 76,1% so cùng kỳ năm 2015. Sau nhiều tháng liên tục tăng trưởng, Trung Quốc chính thức vượt EU trở thành thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ hai của Việt Nam. Trong năm 2017, Trung Quốc liệu có trở thành một trong những thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất của thế giới, trong đó có Việt Nam? Câu trả lời nằm ở những điều bất ngờ phía trước. Indonesia hiện cũng sản xuất cá tra, nhưng nước này mới chỉ đáp ứng được nhu cầu nội địa, chưa đủ để xuất khẩu. Điều này tạo cơ hội cho cá tra Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, song cũng cần cân nhắc và thận trọng khi tăng xuất khẩu sang đây.
Theo báo cáo của FAO, năm 2015, thị trường Mỹ Latinh nhập khẩu hơn 120.000 tấn cá tra (nguyên con và fillet), phần lớn đến từ các nhà cung cấp Việt Nam. Mexico là thị trường lớn nhất trong khu vực, tiếp theo là Brazil và Colombia. Sang năm 2016, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang khu vực này không ổn định. Tính đến hết tháng 10/2016, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mexico đạt 69,7 triệu USD, Brazil 50,4 triệu USD, Colombia 45,8 triệu USD; lần lượt giảm 11%, 15,6% và 8,5%. Trong năm 2017, Mỹ Latinh tiếp tục là một trong những khu vực hấp dẫn nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh tiếp tục cao, nhất là với sản phẩm cá rô phi Trung Quốc. Mặc dù vậy còn rất nhiều cơ hội và phân khúc cho sản phẩm cá tra Việt Nam tại thị trường này.