Các thị trường lớn đang ngày càng nhiều khó khăn với cá tra Việt Nam. Do vậy, chuyển hướng, đa dạng hóa thị trường là việc cần làm ngay; trong đó, thị trường Nam Phi rất nhiều hứa hẹn.
Nam Phi có tốc độ phát triển kinh tế bậc nhất châu Phi, dân số gần 54 triệu người, GDP năm 2013 là 379,1 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người 7.800 USD/người. Đây là thị trường nhiều triển vọng trong quan hệ thương mại của Việt Nam nói chung và với cá tra, basa nói riêng. Bên cạnh đó, hàng thủy sản Việt Nam xuất sang châu Phi được hưởng thuế suất ưu đãi MFN, tạo cửa ngõ thông thoáng cho cá tra Việt Nam thâm nhập thị trường Nam Phi.
Theo ông Nguyễn Hồng Tiến, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, mặt hàng cá tra của Việt Nam rất có tiềm năng thâm nhập thị trường Nam Phi. Hiện, đã có nhiều nhà nhập khẩu khu vực này đặc biệt quan tâm sản phẩm cá tra của các công ty sản xuất, chế biến cá tra của Việt Nam.
Bà Fay Mukaddam, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Johhanesburg cho biết, nhiều người Nam Phi đã biết đến con cá nổi tiếng của Việt Nam.
Tháng 5/2014, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Johhannesburg tổ chức sự kiện giới thiệu, quảng bá và xúc tiến thương mại cho mặt hàng cá tra Việt Nam. Qua sự kiện này, người tiêu dùng tại Nam Phi đã đánh giá cao và hào hứng đón nhận cá tra Việt Nam vì chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Tuy nhiên, cá tra có tạo dựng và duy trì được vị thế bền vững tại thị trường này hay không còn phụ thuộc sự nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Ở bất cứ thị trường nào, tạo dựng hình ảnh tốt đẹp ban đầu đã là một thắng lợi, nhưng cần phải duy trì và củng cố chất lượng, hình ảnh sản phẩm thật tốt, đáp ứng mọi yêu cầu và quy định của thị trường.
>> Theo VASEP, thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường tham gia các hội chợ, xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường, nhằm quảng bá hàng thủy sản Việt Nam tới người tiêu dùng Nam Phi. |