Bà Nguyễn Thị Tịnh – Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc cho hay vào thời điểm năm 2011, toàn đảo có 100 nhà thùng làm ra trên 10 triệu lít nước mắm. Sang năm 2012, con số 100 nhà thùng giảm xuống chỉ còn 80, và tới năm 2013 con số này tiếp tục giảm xuống chỉ còn 70 nhà thùng.
Thay đổi chuỗi giá trị cá cơm
Để giải quyết vấn đề nêu trên, lần đầu tiên một đề tài khoa học cấp bộ trị giá 1,3 tỉ đồng đã được triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, sát với thực tế để tìm hiểu kỹ lưỡng về thực trạng và đưa ra giải pháp phát triển bền vững cho chuỗi giá trị cá cơm trên vùng biển Tây Nam bộ (TNB). Nếu các đề xuất, khuyến nghị của đề tài được tiếp tục thực hiện, thì nhiều khả năng sản phẩm nước mắm truyền thống Phú Quốc nổi tiếng sẽ không phải lâm vào cảnh mai một dần dần.
Sản xuất nước mắm Phú Quốc (ảnh H.Anh).
Thạc sĩ Phạm Thị Thuỳ Linh (Viện Kinh tế và Quy hoạch Thuỷ sản thuộc Tổng cục Thuỷ sản – Bộ NN&PTNT) – chủ nhiệm đề tài nêu trên – cho rằng nói tới cá cơm vùng biển TNB, người ta sẽ nghĩ ngay tới sản phẩm truyền thống trứ danh là nước mắm Phú Quốc. Sau đó mới tới lượt hai dòng sản phẩm khác là cá cơm sấy khô và cá cơm tẩm gia vị xuất khẩu.
Theo Th.s Linh, kết quả điều tra của nhóm thực hiện đề tài cho thấy hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang là ngư trường khai thác cá cơm chủ yếu, tập trung vào vùng ven bờ và quanh các đảo, cách bờ không quá 30 hải lý, độ sâu ngư trường dưới 40m nước. Mấy năm gần đây, do lượng cá cơm tự nhiên dần cạn kiệt, nhiều ngư dân ở Phú Quốc đã phải đi xa hơn về phía Tây và Tây Nam đảo Phú Quốc để khai thác cá cơm, có khi phải sang tận Campuchia để đánh bắt theo sự thoả thuận với nước bạn.
Nước mắm Phú Quốc chưa đóng chai được chở đi tiêu thụ tại nhiều địa phương (ảnh: H.Anh).
Có thể khái quát chuỗi giá trị cá cơm vùng biển TNB như sau: Khai thác cá cơm – thương lái/nậu vựa – nhà thùng nước mắm/doanh nghiệp chế biến – phân phối sản phẩm – người tiêu dùng.
“Chuỗi giá trị có sự thay đổi chuyển dần từ nước mắm qua cá cơm sấy khô và cá cơm tẩm gia vị, mà nguyên nhân chủ yếu do yếu tố lợi nhuận chi phối, và hiện nay cá cơm sấy tiêu thụ khoảng 70% lượng cá cơm nguyên liệu” – Th.s Linh nói.
“Giá cá cơm tăng, trong khi giá bán nước mắm tăng theo không kịp, lợi nhuận không còn nên nhiều hội viên giải nghệ là chuyện khó tránh khỏi. Còn chuyện giá cả nguyên liệu thì mình phải chấp nhận thôi, cơ chế thị trường cạnh tranh mà, họ (thương lái mua gom cá cơm để sấy khô và ướp gia vị) mình chịu thua” – bà Tịnh bày tỏ.
Không chỉ có vậy, nhóm nghiên cứu đề tài còn chỉ ra một thực trạng khác đáng lo ngại hơn là phần lớn sản phẩm nước mắm truyền thống Phú Quốc sản xuất chủ yếu bán tại huyện đảo, chưa có hệ thống phân phối rộng rãi trên thị trường trong và ngoài nước, chưa quảng bá sản phẩm đủ mạnh. Quy định chỉ dẫn địa lý với nước mắm Phú Quốc ra đời đã tròn 12 năm nay, vậy mà mới chỉ có tám doanh nghiệp sản xuất nước mắm đăng ký thực hiện.
“Một vài tập đoàn phát triển quá mạnh như đã biến không ít nhà thùng trở thành cơ sở gia công sản phẩm thô. Các tập đoàn này chỉ việc đóng chai, dán nhãn nước mắm lên là xong” – Th.s Linh cho biết thêm.
Để nghề nước mắm truyền thống Phú Quốc phát triển bền vững
Ông Mai Văn Hoàng – là chủ tàu khai thác cá cơm và chủ doanh nghiệp cá cơm sấy ở xã Gành Dầu (Phú Quốc) – cho biết gia đình mình làm nghề này đã mười mấy năm nay. Trước đây cá cơm được hấp ngay trên tàu rồi chở vô bờ phơi khô, đóng thùng bán cho doanh nghiệp xuất khẩu.
“Trước đây khi nghề sấy và ướp cá cơm chưa rộ, nhà thùng chỉ mua với giá 5 – 6.000đ/kg. Nhưng vài năm nay giá cá cơm tăng vọt 2 – 3 lần nên ngư dân như tui đây rất phấn khởi” – ông Hoàng nói.
Từ kết quả điều tra thực tế gần đây, nhóm nghiên cứu đề tài đã chỉ ra rằng nguy cơ nhà thùng treo thùng hoặc ngừng sản xuất do thiếu nguồn nguyên liệu trở nên ngày càng hiện hữu, nghề làm nước mắm cá cơm có nguy cơ bị mai một do sức ép thiếu nguồn nguyên liệu.
Tuy nhiên, sản phẩm cá cơm sấy khô và tẩm gia vị lại không phải là một sản phẩm truyền thống như nước mắm Phú Quốc, nên tính bền vững của chuỗi giá trị cá cơm là không ổn định. Có thể năm nay nhu cầu cá cơm sấy, cá cơm tẩm gia vị cao, nhưng vài năm sau nhu cầu lại sụt giảm, lúc đó cho dù có nguyên liệu dồi dào đi nữa cũng không ai mua vì nhà thùng đã bỏ nghề do chịu lỗ không nổi.
Để chuỗi giá trị cá cơm phát triển bền vững, và nhất là để sản phẩm nước mắm Phú Quốc không bị mai một, nhóm nghiên cứu của Th.s Phạm Thị Thuỳ Linh đưa ra hàng loạt khuyến nghị.
Trước mắt, dự án cần triển khai thêm các hoạt động can thiệp về chính sách và pháp lý. Cụ thể là tác động để UBND tỉnh Kiên Giang, Cà Mau ban hành quy định hạn chế tàu thuyền khai thác cá cơm theo mùa sinh sản.
Bên cạnh đó cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp ở miền Trung, Malaysia, Singapore… xây dựng nhà máy chế biến cá cơm sấy và cá cơm tẩm gia vị tại vùng biển TNB. Đề xuất các giải pháp hợp tác khai thác cá cơm với các nước lân cận.
Thứ hai là dự án cần xem xét làm các hoạt động về thu hút đầu tư thông qua làm việc với ngân hàng để có chính sách thông thoáng, ưu đãi về vốn cho chủ tàu cá cơm và chủ nhà thùng nước mắm.
Thứ ba là xem xét đề xuất các giải pháp xúc tiến thương mại, quảng bá mạnh mẽ sản phẩm nước mắm cá cơm truyền thống Phú Quốc, trong đó ưu tiên hàng đầu là vận động doanh nghiệp sản xuất nước mắm áp dụng nghiêm túc quy định chỉ dẫn địa lý.