Tìm giải pháp cho con tôm hùm

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 16/8/2015, tại Nha Trang, Tổng cục Thủy sản, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III phối hợp tổ chức Hội thảo Phát triển nuôi tôm hùm bền vững khu vực miền Trung. Tại Hội thảo, nhiều giải pháp đã được đưa ra.

Nhiều hạn chế

Nghề nuôi tôm hùm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng nghề này lại phụ thuộc rất nhiều vào nguồn giống khai thác từ tự nhiên bằng nhiều phương tiện khác nhau dẫn đến kích thước không đồng đều, chất lượng giống không cao. Khi đưa vào nuôi, tôm thường chết nhiều vào giai đoạn đầu, tỷ lệ sống thấp và tôm chậm lớn. Công nghệ nuôi tôm hùm lồng vẫn áp dụng theo kiểu truyền thống, quy mô nhỏ, mỗi bè có khoảng 10 lồng làm bằng khung gỗ, mỗi lồng thả chừng 100 con vì thế chưa đạt hiệu quả cao, dễ phát sinh nhiều dịch bệnh, năng suất, sản lượng đạt thấp. Trong thời gian qua mặc dù đã và đang có các nghiên cứu về sản xuất giống và ương nuôi tôm hùm, sản xuất thức ăn, phòng chống dịch bệnh trong nuôi tôm hùm, nhưng việc ứng dụng trong thực tế sản xuất vẫn còn rất hạn chế. Mặt khác, hiện nay, tôm hùm của Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc hoặc tiêu thụ nội địa. Để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm, các đại biểu đều thống nhất cần có một chương trình tổng thể phát triển nghề nuôi đối tượng này bao gồm các giải pháp KHCN, quản lý và nghiên cứu mở rộng thị trường tiêu thụ.

Những khó khăn, trở ngại chính cho việc phát triển nghề nuôi tôm hùm tại các tỉnh duyên hải miền Trung là vấn đề về quy hoạch, nguồn giống, dịch bệnh, công nghệ nuôi và nguồn thức ăn.

Khó khăn nhất của nuôi tôm hùm là không chủ động được con giống mà người nuôi lệ thuộc hoàn toàn vào con giống được đánh bắt từ tự nhiên có kích cỡ không đồng đều, chất lượng kém; thậm chí còn được đánh bắt bằng thuốc gây mê hoặc thuốc nổ, dẫn tới tôm thường chết vào thời gian đầu thả nuôi, con nào sống cũng èo uột, chậm lớn.

Ngư dân Phú Yên chuẩn bị lồng nuôi tôm hùm – Ảnh: Ngọc Chung

Con tôm hùm giống cũng đang bị thả nổi về công tác kiểm soát, kiểm dịch nên tôm có mầm bệnh cũng không ai biết. Theo kết quả điều tra, nghiên cứu của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tôm hùm bông nuôi lồng ở các tỉnh duyên hải miền Trung thường gặp một số dấu hiệu bệnh lý như trắng râu, long đầu, đầu to, đỏ thân, đen mang… Trong đó nguy hiểm và “mãn tính” nhất là bệnh đỏ thân và đen mang. Tôm hùm bị đỏ thân thường chỉ sống được 3 – 7 ngày sau khi phát bệnh. Bệnh này xuất hiện ở mọi kích cỡ tôm giống.

Thời gian qua, cùng với sự phát triển của nghề nuôi tôm hùm lồng tại Việt Nam, kỹ thuật nuôi và các phương pháp phòng trị bệnh cho tôm cũng đã từng bước được nghiên cứu, cải tiến và đề xuất, song lại chưa theo kịp với tốc độ phát triển ồ ạt của thực tế sản xuất. Hiện nay nuôi tôm hùm vẫn theo cách truyền thống là mỗi bè có khoảng 10 lồng, mỗi lồng thả nuôi khoảng 100 con. Con tôm hùm khoái ăn tươi nên thức ăn cho chúng là các loại cá tạp, cua, sò…

Và cuối cùng, thức ăn cho tôm hùm hiện nay chủ yếu vẫn là thức ăn tự nhiên như các loại cá tạp, cua, sò… Khi tôm ăn không hết, còn thức ăn thừa chúng ăn đi ăn lại vừa gây bệnh cho tôm vừa gây ô nhiễm môi trường nước. Đó là một trong những nguyên nhân gây bùng phát dịch bệnh; đặc biệt là các bệnh tôm sữa, đen mang… Nguyên nhân ban đầu được các nhà chuyên môn cho là do thức ăn kém phẩm chất.

 

Giải pháp

Chủ trì Hội thảo, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh, thực hiện đề án tái cơ cấu, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo xây dựng các đề án, chương trình thực hiện cho các lĩnh vực. Trong lĩnh vực thủy sản, tái cơ cấu được triển khai cho các đối tượng nuôi có giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đối tượng tôm hùm tuy không có sản lượng hàng hóa lớn, nhưng lại có giá trị kinh tế cao và là thế mạnh của các tỉnh ven biển miền Trung. Vì vậy, để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng, thời gian tới cần có những giải pháp đột phá. Về KHCN, cần xây dựng chương trình tổng thể nghiên cứu phát triển tôm hùm với những nội dung và giải pháp cụ thể. Việc khai thác giống tự nhiên phải được quản lý gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Nguồn giống nhập khẩu phải được kiểm soát chặt chẽ cả về số lượng và chất lượng trên cơ sở các tiêu chuẩn, quy chuẩn được xây dựng và ban hành. Cần có lộ trình nghiên cứu sản xuất nhân tạo giống tôm hùm, nhất là tôm bố mẹ. Xây dựng quy trình kỹ thuật ương nuôi để giảm hao hụt trong giai đoạn ương giống, giảm giá thành sản xuất. Nghiên cứu công nghệ nuôi lồng, nuôi trong bể, khuyến khích doanh nghiệp tham gia để gắn kết quả nghiên cứu với sản xuất. Viện nghiên cứu cần phối hợp với các địa phương và người nuôi để thực hiện công tác quan trắc cảnh báo môi trường, phòng chống dịch bệnh nguy hiểm trên tôm hùm. Đồng thời, tăng cường chia sẻ thông tin, kết quả nghiên cứu. Tổng cục Thủy sản khẩn trương nghiệm thu và trình phê duyệt Quy hoạch phát triển nuôi tôm hùm đến năm 2020, định hướng đến 2030. Cùng đó, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về tôm hùm, tổng kết nhân rộng các mô hình tốt về quản lý khai thác giống tự nhiên, nuôi và bảo vệ nguồn lợi. Về tiêu thụ sản phẩm, cần nghiên cứu thị trường trong nước và xuất khẩu, trong đó khuyến khích doanh nghiệp tham gia. Đề xuất thành lập hiệp hội ngành hàng trên cơ sở đảm bảo chất lượng và hiệu quả hoạt động của hiệp hội.

>> Năm 2014, có hơn 53.000 lồng nuôi tôm hùm, tập trung chủ yếu ở Khánh Hòa (28.455 lồng) và Phú Yên (23.627 lồng). Sản lượng tôm hùm nuôi đạt 1.568 tấn, trong đó Khánh Hòa 884 tấn, Phú Yên 630 tấn.

Ngọc Thọ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!