(TSVN) – Đó là nội dung chính của “Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển tôm nước lợ năm 2025” do Bộ NN&PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào sáng ngày 14/2. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Ngô Vũ Thăng và Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân đồng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đại diện các Bộ, ngành Trung ương; các đơn vị trực thuộc Bộ; lãnh đạo UBND tỉnh, các sở NN&PTNT và đơn vị trực thuộc của 28 tỉnh, thành phố ven biển; các doanh nghiệp, tổ chức của người nuôi tôm, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cùng đông đảo người nuôi tôm trong tỉnh Bạc Liêu.
Theo ông Ngô Vũ Thăng, Bạc Liêu có gần 140.000 ha nuôi trồng thủy sản, đóng góp 20 – 21% tổng sản lượng tôm nuôi toàn quốc. Tuy nhiên, hiện ngành tôm của tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn do cơ sở hạ tầng còn yếu kém, thiếu đồng bộ, các mô hình liên kết chuỗi giá trị thiếu bền vững và cùng với đó là các khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, thị trường… Do đó, Hội nghị này rất ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành tôm Bạc Liêu nói riêng và cả nước nói chung khi có mặt của hầu hết các bên liên quan trong chuỗi giá trị ngành hàng tôm để cùng nhau phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn và đề ra các giải pháp phát triển ngành tôm trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu kết luận và chỉ đạo Hội nghị
Theo Cục Thủy sản, năm 2024 sản xuất nuôi tôm nước lợ năm 2024 đạt vượt kế hoạch đề ra với diện tích nuôi đạt 749.800 ha, (tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2023); sản lượng nuôi tôm nước lợ năm 2024 đạt gần 1,3 triệu tấn (tăng 15,3 % so với cùng kỳ năm 2023); trong đó, sản lượng tôm sú đạt 338.800 tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 951.700 tấn. Đối với vụ tôm nước lợ năm 2025, Cục Thủy sản đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chính, như: diện tích nuôi tôm là 750.000 ha (tôm sú 630.000 ha, tôm thẻ 120.000 ha); sản lượng tôm các loại 1,3 – 1,4 triệu tấn; trong đó, tôm sú 350.000 tấn, tôm thẻ chân trắng hơn 1 triệu tấn; nhu cầu tôm giống khoảng 140 – 150 tỷ con.
Thứ trưởng cùng lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu và Cục Thủy sản đồng chủ trì Hội nghị
Để đạt được mục tiêu trên, Cục Thủy sản đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chính, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc phát triển ngành tôm theo hướng xanh, tuần hoàn ứng dụng công nghệ cao trong tất cả các khâu có liên quan trong chuỗi giá trị; áp dụng kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thị trường về bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật và có trách nhiệm xã hội. Đối với các địa phương, Cục Thủy sản đề nghị tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản; theo dõi diễn biến của thời tiết, nhu cầu của thị trường kịp thời tham mưu chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt các mục tiêu kế hoạch 2025.
Hội nghị thu hút sự quan tâm tham dự của đông đảo đại biểu
Hội nghị còn được nghe các tham luận của lãnh đạo các địa phương và đơn vị, doanh nghiệp về những thuận lợi, khó khăn, thách thức của hoạt động sản xuất, nuôi tôm nước lợ cũng như đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng tôm giống, tôm thương phẩm; bảo vệ môi trường, xây dựng các vùng nuôi, cơ sở an toàn dịch bệnh. Ngoài ra, các địa phương còn kiến nghị Bộ tăng cường các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, liên kết, chế biến nhằm giảm giá thành sản xuất để ngành tôm phát triển bền vững.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại Hội nghị
Phát biểu kết luận và chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao các ý kiến tham luận đang mang đến Hội nghị nhiều vấn đề, nhiều giải pháp cùng các đề xuất, kiến nghị rất sát với thực tế. Thứ trưởng cũng cho rằng, không chỉ có năm 2024, mà vụ tôm năm 2025 và những năm tiếp theo, ngành tôm vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đến từ: dịch bệnh, thiên tai, thị trường, quy mô nhỏ lẻ… Tuy nhiên, Thứ trưởng khẳng định “không gì là không thể” và ngành tôm sẽ tiếp tục có sự phát triển và bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tới. Muốn đạt được mục tiêu này, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa, có nhiều chính sách đặc thù hơn nữa cho các vùng nuôi, bởi đây là khâu rất quan trọng nhưng hiện đang là khâu yếu nhất của chuỗi giá trị ngành hàng tôm. Tới đây, ngành tôm cần tập trung vào các vấn đề thiết yếu, như: con giống, cơ sở hạ tầng, môi trường, hợp tác và liên kết, an toàn sinh học, thị trường, khoa học công nghệ… Trước mắt, cần tổng kết các mô hình có hiệu quả để nhân rộng cho từng vùng sinh thái, từng điều kiện nuôi của người dân để nâng cao tỷ lệ thành công và hiệu quả cho người nuôi, tạo nguồn nguyên liệu ổn định, giá thành cạnh tranh cho chế biến xuất khẩu.
Xuân Trường