(TSVN) – Sáng 25/4/2025 tại Hải Dương, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Dương tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Giải pháp nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản vùng Đồng bằng sông Hồng”. Tọa đàm có sự tham gia của khoảng 120 đại biểu đến từ các đơn vị quản lý, nghiên cứu, trung tâm khuyến nông, người nuôi tại các địa phương.
Toàn cảnh Tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản vùng Đồng bằng sông Hồng” diễn ra tại Hải Dương sáng 25/4. Ảnh: Thùy Khánh
Phát biểu khai mạc, ông Đỗ Tiến Dũng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Dương nhấn mạnh, tọa đàm là dịp để tổng kết thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp thiết thực, góp phần phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) vùng Đồng bằng sông Hồng theo hướng an toàn, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hải Dương Đỗ Tiến Dũng phát biểu khai mạc. Ảnh: Thùy Khánh
Tiềm năng lớn nhưng chưa khai thác hiệu quả
Theo Cục Thủy sản và Kiểm ngư, Đồng bằng sông Hồng là vùng có địa hình tự nhiên đa dạng, thuận lợi cho nhiều mô hình NTTS như: nuôi nước ngọt ao hồ, nuôi mặn lợ ven biển, nuôi lồng bè trên sông, hồ chứa; NTTS kết hợp mô hình lúa – cá, rau – cá, tạo ra sự linh hoạt trong sản xuất. Một số loài có giá trị kinh tế cao như cá rô phi, cá trắm, cá vược, cá song, tôm sú, tôm thẻ và các loài nhuyễn thể (hàu, tu hài, ốc hương…) có tiềm năng mở rộng.
Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia và ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thuỷ sản và Kiểm ngư điều hành thảo luận tại Tọa đàm. Ảnh: Thùy Khánh
Thị trường tiêu thụ trong vùng khá sôi động, đặc biệt tại các tỉnh đô thị và du lịch như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Dù sản lượng chưa lớn để xuất khẩu, nhưng NTTS đóng vai trò quan trọng trong sinh kế nông thôn, tạo việc làm, đảm bảo an ninh thực phẩm và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, vùng vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ: giá vật tư, thức ăn, con giống tăng cao; môi trường ao nuôi ô nhiễm; dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đặc biệt năm 2024, ngành bị ảnh hưởng nặng bởi bão số 3 (bão Yagi), cùng với các loại bệnh nguy hiểm như đốm đỏ, nấm thủy mi, viêm ruột, khiến nhiều hộ nuôi thua lỗ.
Mô hình hiệu quả – Hướng đi cho phát triển bền vững
Nhằm khắc phục những khó khăn trên, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với các địa phương, viện trường triển khai nhiều mô hình trình diễn kỹ thuật NTTS. Từ nuôi ao đất, ao lót bạt, nuôi lồng bè, bể xi măng, đến mô hình canh tác tổng hợp như lúa – cá, rau – cá, đều ghi nhận hiệu quả tích cực về năng suất, chi phí và bảo vệ môi trường.
Đại diện các hộ NTTS tại huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương phát biểu ý kiến. Ảnh: Thùy Khánh
Điểm nổi bật là các mô hình này đều áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, tuân thủ tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới an toàn thực phẩm và phát triển bền vững. Người dân được trực tiếp tham quan, học tập và thực hành, từ đó chủ động nhân rộng sản xuất tại địa phương.
Tại tọa đàm, đại diện Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I và Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đã chia sẻ các kết quả nghiên cứu mới về sản xuất giống, kỹ thuật chăm sóc và phòng trị bệnh cho cá nước ngọt – những yếu tố then chốt quyết định hiệu quả NTTS trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh gia tăng.
Tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc
Phần thảo luận giữa người nuôi, chuyên gia và cơ quan quản lý đã ghi nhận nhiều ý kiến thiết thực. Một trong những vấn đề nổi cộm là tình trạng vật tư, con giống kém chất lượng trôi nổi trên thị trường. Đại diện Cục Thủy sản và Kiểm ngư khẳng định, hiện đã có quy định truy xuất nguồn gốc qua mã số trên bao bì, người nuôi cần chủ động phản ánh để xử lý vi phạm kịp thời.
Các đại biểu dự Tọa đàm tham quan mô hình nuôi thủy sản hiệu quả và bền vững tại Hải Dương. Ảnh: Thùy Khánh
Ngoài ra, công tác quan trắc, cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi trọng điểm sẽ tiếp tục được triển khai sâu rộng, giúp người nuôi ứng phó hiệu quả với các biến động thời tiết và dịch bệnh. Các địa phương cũng được đề nghị tăng cường kết nối giữa người nuôi và doanh nghiệp, chuyên gia, xây dựng vùng nuôi có liên kết và áp dụng đồng bộ kỹ thuật nhằm giảm rủi ro và hạ giá thành.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Hoàng Văn Hồng nhấn mạnh, muốn nuôi hiệu quả thì không thể sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Người dân cần nâng cao năng lực kỹ thuật, đồng thời tích cực tham gia sản xuất cộng đồng, hướng tới liên kết chuỗi giá trị. Trung tâm sẽ tiếp tục mở rộng mô hình trình diễn và tập huấn kỹ thuật để đồng hành cùng người nuôi thủy sản trong toàn vùng.
Ông Kim Văn Tiêu – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm cũng nhấn mạnh vai trò của việc giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất. Ông khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh trong NTTS để bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tọa đàm kết thúc với nhiều cam kết đồng hành giữa nhà nước – nhà khoa học – doanh nghiệp và người dân, cùng hướng tới một nền nuôi trồng thủy sản miền Bắc xanh – sạch – hiệu quả và bền vững.
Thùy Khánh
Năm 2024, tổng diện tích NTTS của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 114.868 ha và 946.916 m3 lồng bè. Sản lượng NTTS đạt 823.871 tấn, bằng 103 % so với cùng kỳ năm 2023. Mục tiêu trong năm nay, diện tích NTTS của vùng duy trì đạt 115.000 ha (tăng 132 ha so với năm 2024) và 948.000 m3 lồng bè (tăng 1.084 m3 so với năm 2024). Riêng sản lượng NTTS đạt 850.000 tấn (tăng 3% so với năm 2024).