(TSVN) – Các kỹ thuật sinh sản phổ biến hiện nay, ví dụ cắt cuống mắt tôm, được cho là không đảm bảo phúc lợi động vật; do đó, ngành tôm nỗ lực tìm kiếm các giải pháp thay thế khả thi.
Cắt bỏ cuống mắt tôm là kỹ thuật sinh sản phổ biến vẫn đang được duy trì dù không ít lời kêu gọi tìm kiếm các phương pháp thay thế. Theo khảo sát gần đây của Liên minh Nuôi trồng thủy sản (NTTS) toàn cầu, những lo ngại ngày càng gia tăng trên phạm vi toàn cầu về phúc lợi động vật buộc người nuôi tôm phải nỗ lực tìm kiếm mô hình sản xuất đảm bảo phúc lợi động vật dù biết nhiệm vụ này không dễ dàng và mất nhiều thời gian.
Ngành tôm cần đánh giá thường xuyên về thực trạng cắt bỏ cuống mắt để tìm giải pháp thay thế. Ảnh: Globalseafood
Tiến sĩ Belinda Yaxley, chuyên gia NTTS trụ sở tại Tasmania, Australia, và điều phối viên quốc gia của chương trình chứng nhận Thực hành NTTS tốt nhất (BAP) của GSA cho biết: “Kỹ thuật sinh sản không cắt bỏ cuống mắt tôm gặp trở ngại liên quan đến vấn đề kinh tế”. Tiến sĩ Yaxley cũng là tác giả của báo cáo “Cắt cuống mắt tôm, Phân tích thực trạng hiện tại và tương lai” năm 2023. Kỹ thuật cắt bỏ cuống mắt tôm xuất hiện từ nhiều thập kỷ trước và phổ biến ở các trại giống tôm khắp thế giới. Đây là giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy tôm bố mẹ trưởng thành nhanh hơn và lượng trứng tăng 10 – 20 lần.
Trong 10 năm qua, ngành nuôi tôm vẫn không ngừng phát triển các giải pháp nhân đạo hơn để nuôi tôm thành công mà không cần cắt bỏ cuống mắt. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Yaxley cảnh báo, những phương pháp này tốn kém chi phí hơn. Yaxley cho biết, có rất nhiều kỹ thuật khác nhau để cắt bỏ cuống mắt tôm, và do đây là giải pháp hiệu quả, lại kinh tế nên không dễ thay thế trong một sớm một chiều. Vì vậy, BAP cần phải làm việc với các nhà sản xuất để giúp cải thiện phúc lợi cho tôm thông qua tiêu chuẩn của chương trình.
Kết quả khảo sát của Yaxley cho thấy, nhiều nhà sản xuất tôm sú tại Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Mỹ và Bắc Mỹ đang nỗ lực tìm giải pháp thay thế cắt bỏ cuống mắt tôm suốt 20 năm qua, nhưng chưa đạt được mục tiêu đặt ra. Họ đã thử nghiệm phương pháp không cắt bỏ cuống mắt bằng cách tăng số lượng tôm bố mẹ lên gấp đôi, nhưng chi phí điện, nước, phụ gia… cũng tăng theo.
Theo nhiều chuyên gia, cung cấp môi trường nuôi gần gũi với thiên nhiên sẽ giúp người nuôi tôm dễ thực hiện mô hình nuôi tôm không cắt bỏ cuống mắt. Ngoài ra, cần cho ăn và duy trì chất lượng nước ổn định để kích thích tôm sinh sản hiệu quả mà vẫn đảm bảo tiết kiệm chi phí. Yaxley cũng kỳ vọng những tiến bộ của di truyền học sẽ góp phần gỡ bỏ trở ngại về chi phí mà phương pháp không cắt bỏ cuống mắt tôm đang gặp phải. Theo Yaxley, một số phòng thí nghiệm ở Mỹ đã thu kết quả khả quan với tôm không cắt bỏ cuống mắt, nhưng thách thức vẫn là chi phí để mở rộng quy mô và thương mại hóa mô hình này.
Yaxley cho biết thêm, người nuôi TTCT tại Ecuador đã tìm ra con đường tiến hóa tự nhiên. Do quá nhiều dịch bệnh nên họ đã chọn những con tôm còn sống sót để nhân giống. Ecuador chưa đi sâu vào phương pháp di truyền phức tạp nào, thay vào đó, họ chọn phương pháp chọn lọc kiểu hình và đã chứng thực được hiệu quả. Hiện tại, họ chỉ cần thả tôm bố mẹ không cắt bỏ mắt vào trong ao và cho sinh sản đến số lượng cần thiết.
Yaxley kết luận, thay thế dần các phương pháp cắt bỏ cuống mắt tôm không đạt tiêu chuẩn phúc lợi động vật là chiến lược lâu dài. Cùng đó, ngành tôm cần tiến hành đánh giá thường xuyên về thực trạng cắt bỏ cuống mắt; đồng thời nghiên cứu và phát triển giải pháp thay thế.
Vũ Đức
(Theo Globalseafood)