T6, 23/02/2024 08:05

Tìm giải pháp thích ứng cho phát triển ngành tôm năm 2024

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sáng ngày 23/2, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm năm 2024.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến và Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Hội Thủy sản Việt Nam, các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT, các Trường Đại học, các Hiệp hội và Sở NN&PTNT 28 tỉnh, thành phố ven biển…

Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển ngàn tôm năm 2024. Ảnh: Phan Thanh Cường

Phát biểu chào mừng Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của mô hình nuôi tôm công nghiệp, đã và đang đặt ra thách thức lớn thách thức lớn về môi trường, tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của ngành tôm. Do đó, hội nghị là dịp để các đại biểu trao đổi, chia sẻ các vấn đề còn vướng mắc cũng như đề xuất các giải pháp, kinh nghiệm… giúp ngành tôm phát triển ngày một hiệu quả và bền vững hơn trong năm 2024 và các năm về sau. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ghi nhận sự nỗ lực không ngừng nghỉ của ngành tôm. Ảnh: Phan Thanh Cường

Theo Cục Thủy sản, năm 2023, diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước ước đạt 737.000ha, cơ bản không tăng so với năm 2022, nhưng giá trị xuất khẩu sụt giảm mạnh do sức tiêu thụ yếu, cạnh tranh ngày một gay gắt với tôm giá rẻ đến từ các nước. Bước sang năm 2024, ngành tôm được dự báo vẫn chưa hết khó nên Bộ đề ra mục tiêu kế hoạch phát triển ngành tôm với diện tích thả nuôi và sản lượng tôm nước lợ tương đương với năm 2023, nhưng giá trị xuất khẩu tăng lên khoảng 4 – 4,3 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu trên, Bộ đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp về: quản lý sản xuất giống và thức ăn thủy sản; về quản lý nuôi tôm nước lợ… thông tin thêm về cơ hội, thách thức của ngành tôm năm 2024, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam (VASEP) cho biết, năm 2023, trong năm 2024, biến đổi khí hậu vẫn là vấn đề cần quan tâm giải quyết, việc sản xuất tôm thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ là giải pháp cấp trong thời gian tới; chi phí đầu tư vào vẫn tiếp tục tăng cao hơn so với các nước, Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn cạnh tranh về giá với các nước Ecuador và Ấn Độ. Dù vậy, xuất khẩu tôm Việt Nam dự báo sẽ phục hồi và tăng nhẹ từ 10 – 15%.

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương và đơn vị, doanh nghiệp đã có nhiều tham luận, trao đổi, đánh giá kết quả sản xuất, những thuận lợi, khó khăn, thách thức của hoạt động sản xuất, nuôi tôm nước lợ và bàn các giải pháp nâng cao chất lượng tôm giống, tôm thương phẩm; bảo vệ môi trường, xây dựng các vùng nuôi, cơ sở an toàn dịch bệnh. Nhất là các vấn đề về liên kết, chế biến tôm nhằm giảm giá thành sản xuất. Các địa phương cũng có kiến nghị với Bộ về tăng cường các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ phát triển ngành tôm, quản lý chất lượng con giống, chế phẩm vi sinh…

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực vượt qua những khó khăn, trở ngại để hoàn thành các mục tiêu sản xuất và xuất khẩu tôm nước lợ trong năm qua của các địa phương, góp phần đưa gành tôm về đích an toàn. Để nâng cao hơn nữa giá trị từ con tôm và định hướng phát triển ngành tôm bền vững, Thứ trưởng đề nghị, các địa phương quan tâm nhiều hơn đến tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi sản xuất… Đặc biệt là các ngành và địa phương, cần quan tâm công tác quản lý, kiểm tra chất lượng nguồn giống, đảm bảo nguồn giống đến ao nuôi phải đạt chất lượng cao để nâng cao tỷ lệ nuôi thành công, giảm rủi ra và giảm chi phí, giá thành sản xuất. Ngoài ra, các địa phương cũng cần quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển vùng nuôi, logistics, hướng đến sản xuất xanh, ít phát thải và ứng dụng công nghệ số trong nuôi trồng thủy sản.

Xuân Trường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!