Tín dụng chuỗi giá trị: Xu hướng phát triển nông nghiệp hiện đại

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thông tin tại Hội thảo “Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á” diễn ra ngày 7/5; do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách Thực phẩm Quốc tế (IFPRI) tổ chức; các chuyên gia cho rằng, việc thực hiện các mô hình cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp có vai trò then chốt, là xu hướng để phát triển nền nông nghiệp hiện đại; nhưng cần tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn” để hoạt động này được triển khai hiệu quả hơn.

Vai trò quan trọng

Bộ NN&PTNT cho biết, tính đến cuối năm 2023, cả nước đã có gần 2.050 chuỗi liên kết được hình thành với sự tham gia của 1.250 HTX nông nghiệp. Trong giai đoạn 2018 – 2023, ngân sách trung ương đã phân bổ khoảng 767 tỷ đồng, hỗ trợ các địa phương xây dựng và vận hành gần 1.000 dự án, kế hoạch liên kết phát triển vùng nguyên liệu nông sản. Các mô hình liên kết khép kín chuyên nghiệp đang tăng lên khá nhanh ở các ngành hàng chủ lực như: Lúa gạo, thủy sản (tôm, cá tra), rau quả là các “liên kết 4 nhà” khá chặt chẽ, được tổ chức bài bản từ sản xuất, cung ứng cây, con giống đến hỗ trợ vật tư đầu vào, bao tiêu đầu ra và hỗ trợ quản lý kỹ thuật sản xuất cũng như bảo lãnh vay vốn ngân hàng.

Hiện nay, một số ngân hàng như: Agribank, NamABank, LPBank, HDBank, MB, SHB… đã triển khai các chương trình tín dụng hướng vào các mô hình liên kết chuỗi giá trị nông sản. Như Ngân hàng NamABank đang cho vay các chuỗi ngành hàng thủy sản với lãi suất 3%/năm (đối với USD) và từ 8%/năm (đối với VND). SHB, HDBank tài trợ vốn cho cho các dự án sản xuất, chế biến lúa gạo có liên kết sản xuất tiêu thụ với nông dân đáp ứng các tiêu chí sản xuất xanh.

Nam A Bank triển khai “Chương trình ưu đãi dành cho khách hàng theo chuỗi giá trị thủy sản” với lãi suất hấp dẫn; ảnh:  Nam A Bank

Tại một số tỉnh khu vực ĐBSCL, các chi nhánh Agribank đang chuẩn bị triển khai cho vay phát triển vùng nguyên liệu thông qua các gói tín dụng bảo lãnh, bao gồm cho vay sỉ thông qua HTX, cho vay thế chấp bằng hợp đồng liên kết sản xuất và thu mua giữa 3 bên (ngân hàng – doanh nghiệp liên kết thu mua nông sản – HTX) và cho HTX vay thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay và vốn góp của HTX. Điển hình tại tỉnh Cà Mau đã xây dựng được khoảng 20 chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX và hộ nuôi tôm. Các liên kết của các công ty như: Tập đoàn Minh Phú, Tài Kim Anh… đều đã được các tổ chức tín dụng tham gia tài trợ vốn và phát triển các dịch vụ hỗ trợ thanh toán, giải ngân khoản vay. Tính đến 31/3/2024, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực thủy sản của Agribank đạt 74,5 nghìn tỷ đồng/15.000 khách hàng, trong đó: dư nợ cho vay khai thác, nuôi trồng thủy sản là 42,8 nghìn tỷ đồng, cho vay chế biến và xuất khẩu thủy sản là 9,2 nghìn tỷ đồng, cho vay kinh doanh thủy sản là 22,5 nghìn tỷ đồng.

Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ: “Dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ tín dụng cho HTX, doanh nghiệp, hộ nông thôn phát triển sản xuất kinh doanh”. Đổi mới chính sách tín dụng là giải pháp quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững theo Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ “Phát triển thị trường tài chính, tín dụng vi mô, các sản phẩm dịch vụ tài chính mới; đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn, đặc biệt phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị, nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, sinh thái; thực hiện cơ chế cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp gắn với bảo hiểm nông nghiệp”.

Mở hướng phát triển cho vay theo chuỗi giá trị

Bên cạnh những lợi ích giá trị to lớn trên, hình thức cho vay theo mô hình liên kết vẫn còn một số hạn chế như: Tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết tại một số địa phương chưa chặt chẽ; số lượng doanh nghiệp có đủ năng lực tổ chức, quản trị để làm vai trò đầu mối của chuỗi liên kết chưa nhiều; khả năng hợp tác, liên kết người dân còn yếu, xảy ra nhiều trường hợp phá vỡ liên kết khi giá sản phẩm tăng đột biến…

Đại diện Agribank chia sẻ, khó khăn lớn nhất trong việc phát triển các chuỗi liên kết giá trị hiện nay là thiếu các doanh nghiệp đủ tiềm lực để giữ vai trò dẫn dắt, đủ lớn để giữ vai trò hạt nhân trong hoạt động của chuỗi liên kết. Tại các địa phương chưa có các chính sách đồng bộ trong việc xây dựng chuỗi liên kết, chưa có sự tham gia đủ mạnh của các ngành chức năng; Hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ, hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân, doanh nghiệp đầu mối còn phổ biến, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc kiểm soát dòng tiền; Chưa có chế tài cụ thể để điều chỉnh quan hệ, tăng tính ràng buộc, tuân thủ hợp đồng liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp nên khi gặp những tranh chấp diễn ra, không có cơ sở pháp lý để giải quyết, thiếu biện pháp xử lý để tăng tính ràng buộc, tuân thủ hợp đồng của người dân và doanh nghiệp…

Do đó, để phát triển cho vay theo chuỗi giá trị, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) nhấn mạnh, cần ban hành nghị định riêng về hình thành và cho vay theo chuỗi giá trị đối với nông sản chủ yếu của Việt Nam; xây dựng khung pháp lý về hợp đồng kinh tế dân sự có chế tài xử lý cụ thể với chủ thể tham gia trong chuỗi khi vi phạm hợp đồng cam kết; xây dựng bộ quy tắc ứng xử mẫu của các thành viên trong chuỗi giá trị…

TS Nguyễn Tiến Định, Trưởng phòng Kinh tế Hợp tác và Trang trại, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn thì đề xuất cần triển khai mô hình thí điểm tài chính chuỗi giá trị trong các Chương trình, Đề án của Bộ NN&PTNT đang triển khai, ví dụ như cho vay thế chấp bằng hợp đồng liên kết sản xuất và thu mua nông sản giữa doanh nghiệp với HTX, nông dân… Bên cạnh đó, cần phát triển bảo hiểm nông nghiệp gắn với tín dụng chuỗi giá trị cho một số sản phẩm nông nghiệp trong các vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa tập trung…

Hải Lý

Đổi mới chính sách tín dụng là giải pháp quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Tín dụng giúp tạo ra tăng trưởng và giá trị gia tăng trong chuỗi, khiến lợi ích các bên tăng lên, là mấu chốt để liên kết, hợp tác bền vững. Với các tổ chức tín dụng, ngoài mở rộng quy mô dư nợ lớn hơn còn tạo mối quan hệ với tác tác nhân trong và ngoài chuỗi giá trị và nhiều lợi ích khác.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!