Tín hiệu nào cho ngành xuất khẩu cá ngừ Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo VASEP cho biết, 3 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 215 triệu USD. Trái ngược với tín hiệu tích cực từ thị trường cá ngừ toàn cầu, ngành công nghiệp cá ngừ nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Tính đến hết tháng 3/2024, cá ngừ của Việt Nam đã xuất được sang 86 thị trường trên thế giới. Tổng giá trị xuất khẩu đạt 215 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn 17% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường chính là Mỹ, EU, khối các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Israel, Nga, Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan chiếm tới 90% tổng kim ngạch xuất khẩu. 

Riêng trong tháng 3/2024, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam đạt gần 84 triệu USD, tăng 17% so với tháng 2/2024. Lũy kế trong quý I/2024 đạt 215 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Các sản phẩm như cá ngừ tươi, đông lạnh và khô tăng 195%, thịt/loin cá ngừ đông lạnh tăng 2%, cá ngừ đóng hộp tăng 49%.

Hoạt động sản xuất và xuất khẩu cá ngừ gặp khó. Ảnh: CTV

Tại thị trường Mỹ, giá trị xuất khẩu đạt hơn 32 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái; EU đạt 19 triệu USD, tăng 30%; Israel và Canada với tốc độ tăng trưởng lần lượt là 95% và 143%; Nga tăng 4%. Tuy nhiên, tại một số thị trường xuất khẩu, ngành cá ngừ Việt Nam lại đón nhận những con số lao dốc, Nhật Bản giảm 18%, Mexico giảm 38%, Chile giảm 34% và Thái Lan giảm 78%. Nhiều thị trường như Hà Lan, Tây Ban Nha, Lithuania… cũng đang giảm nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo VASEP, trong thời gian tới, ngành cá ngừ của Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Sự suy giảm trong sản lượng đánh bắt trong nước đã gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến thị phần xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trên thị trường thế giới. 

Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, sản lượng khai thác trong 3 tháng đầu năm 2024 tại 3 tỉnh trọng điểm về ngành khai thác cá ngừ ước đạt 5.392 tấn, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Phú Yên đạt 1.008 tấn, giảm 12% so với cùng kỳ; Bình Định đạt 3.916 tấn, tăng 4%; Khánh Hòa đạt 368 tấn, giảm 12%.

Ngoài ra, mặc dù giá cá ngừ nguyên liệu tại Bangkok đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây, nhưng căng thẳng tại Biển Đỏ vẫn tiếp tục gia tăng, có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, đồng thời thổi bùng lạm phát trở lại. Cùng với giá cước phí vận chuyển tăng chóng mặt như hiện nay và thời gian giao hàng kéo dài sẽ đặt ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc duy trì nguồn vốn.

Những vướng mắc liên quan đến thủy sản khai thác và quy định chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) cũng là một trong những rào cản khiến cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp cá ngừ tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Oanh Thảo 

(Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!