Tín hiệu tốt cho thủy sản Việt Nam tại Mỹ và Trung Quốc

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 4,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 180 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu, trong tháng 7, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 779 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022. Theo dự báo, 5 tháng cuối năm 2023, kinh tế ở các thị trường lớn sẽ dần phục hồi và ổn định, doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh nội lực sản xuất, nguồn cung nguyên liệu ổn định và sản phẩm xuất khẩu sẽ có giá bán cạnh tranh, xuất khẩu thủy sản có thể thu về khoảng trên 9 tỷ USD.

 

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 7 tháng đầu năm 2023. Nguồn: Tổng cục Hải Quan, VASEP

Thị trường Trung Quốc bắt đầu xuất hiện mốc tăng trưởng dương, đồng thời mức giảm ở thị trường Mỹ cũng thu hẹp dần qua các tháng, cho thấy những tín hiệu đáng mừng tại 2 thị trường lớn này.

Cụ thể, trong tháng 7 xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đạt 146 triệu USD, chỉ còn giảm 11% so với tháng 7/2022, thấp hơn mức giảm 30% của tháng 6. Tính chung 7 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 854 triệu USD, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2022.

Thị trường Trung Quốc trong tháng 7 cũng có dấu hiệu khả quan khi lần đầu tăng trưởng dương sau 4 tháng liên tiếp giảm. Cụ thể, trong tháng 7 kim ngạch xuất khẩu sang nước này đạt 115 triệu USD, tăng 8% so với tháng 7/2022, đưa lũy kế 7 tháng đầu năm đạt 750 triệu USD.

Hiện nay, Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm năng và được các doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng. Với chính sách mở cửa hậu Covid-19, VASEP dự đoán, nửa cuối năm khi nền kinh tế Trung Quốc dần lấy lại vị thế, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này sẽ có cơ hội phục hồi, với kim ngạch kỳ vọng khoảng 1,8 tỷ USD trong năm 2023, từ cả Trung Quốc và Hong Kong.

>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến: “Đã có những tín hiệu tích cực ở thị trường Mỹ với cả tôm và cá tra, tuy nhiên thời điểm này, Mỹ đang ép giá. Dự trữ và tồn kho của Mỹ đã giảm, trong khi nhu cầu không thay đổi. Do đó, chúng ta cần phải chuẩn bị cho những dự trữ để khi tình thế, thời cơ đến thì chúng ta có thể chớp được cơ hội này. Về xuất khẩu tôm cũng tương tự”

 

Oanh Thảo 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!