THỨ NĂM, ngày 23/1/2025

Tôm Cà Mau – thương hiệu Việt

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Vùng đất Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với nhiều sản vật nổi tiếng, trong đó có con tôm. Từ lâu, ngành tôm ở vùng đất cực Nam này là ngành hàng chủ lực giúp người dân làm giàu và có đóng góp quan trọng vào kinh tế địa phương.

Thế mạnh tôm sinh thái 

Kinh tế thủy sản từ lâu luôn được xác định là thế mạnh đặc trưng của tỉnh Cà Mau; trong đó, tạo ra giá trị lớn nhất là mặt hàng tôm nuôi. Với diện tích nuôi tôm khoảng 280.000 ha cho sản lượng tôm nuôi đạt trên 200.000 tấn/năm, Cà Mau đã chiếm gần 40% diện tích nuôi và chiếm khoảng 22% sản lượng tôm nuôi của cả nước. 

Tôm sinh thái Cà Mau đang tận dụng lợi thế, “vươn mình” chinh phục thị trường. Ảnh: Chí Hiểu

Cà Mau có nhiều loại hình nuôi tôm gồm: quảng canh, quảng canh cải tiến, thâm canh, siêu thâm canh; sản lượng tôm sú khoảng 125.000 tấn/năm. Đặc biệt, trong đó có khoảng 25.000 tấn tôm sinh thái có chất lượng và giá trị cao từ hình thức nuôi xen canh tôm – rừng, luân canh tôm – lúa, đây là thế mạnh không nơi nào có được, góp phần tạo nên thương hiệu tôm Việt Nam nổi tiếng thế giới. Nhiều mô hình nuôi đạt 

tiêu chuẩn quốc tế như: lúa – tôm sú đạt tiêu chuẩn ASC đầu tiên ở Việt Nam tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình; tôm sinh thái dưới tán rừng đạt các chứng nhận quốc tế Naturland, EU Organic, Canada Organic, BAP, Selva Shrimp về tôm sạch… 

Nuôi xen canh tôm – rừng là lợi thế riêng có của Cà Mau, không đâu sánh bằng. Mô hình này tập trung chủ yếu tại các vùng ven biển, nơi có rừng ngập mặn. Đã có 7 công ty chế biến và xuất khẩu thủy sản của Cà Mau tham gia xây dựng liên kết chuỗi sản xuất tôm – rừng cùng với người dân, gắn với các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. 

Phát triển các mô hình nuôi tôm sinh thái nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập, doanh nghiệp có sản phẩm tôm sạch, đảm bảo chất lượng để xuất khẩu và hơn thế còn tạo ra giá trị về bảo vệ môi trường, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Theo nhận định của các hộ dân, sau quá trình thực hiện, đến nay có thể khẳng định phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái là chủ trương hợp lòng dân. Bởi, các hộ dân khi tham gia vào mô hình không chỉ được hưởng lợi rất nhiều về năng suất tôm nuôi mà còn hạn chế tối đa vấn nạn môi trường nước nuôi tôm bị ô nhiễm. 

Là một trong những địa phương hội tụ thế mạnh phát triển sản xuất tôm sinh thái, thời gian qua huyện Ngọc Hiển luôn kêu gọi doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm liên kết với hộ nuôi tôm sinh thái trên địa bàn nhằm bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra giúp nâng cao giá trị kinh tế cho con tôm sinh thái. Nhờ đó, mô hình nuôi tôm sinh thái từng bước đạt được hiệu quả tích cực. 

Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Ngọc Hiển, nuôi tôm sinh thái được huyện triển khai thực hiện vào năm 2010. Để đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi thủy sản, trong đó có mô hình nuôi tôm sinh thái, huyện ủy Ngọc Hiển đã ban hành nghị quyết để chỉ đạo thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025. Hiện nay, trên địa bàn huyện Ngọc Hiển có 3 doanh nghiệp chế biến thủy sản tham gia phát triển nuôi tôm sinh thái đạt chứng nhận. Trong năm 2023, huyện sẽ tiếp tục ký hợp đồng với Công ty TNHH Xã hội chuỗi tôm – rừng Minh Phú, Công ty CP Camimex Group Cà Mau và Công ty CP XNK Thủy sản Năm Căn phát triển thêm 9.000 ha nuôi tôm sinh thái, nâng tổng diện tích nuôi tôm sinh thái huyện Ngọc Hiển lên gần 21.500 ha vào cuối năm 2023. Qua đó, từng bước phát triển NTTS thành lĩnh vực kinh tế quan trọng của huyện gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, giá cả hàng hóa và lợi nhuận cho người nuôi. Đồng thời, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Năm 2022, năng suất bình quân đạt từ 200 – 220 kg/ha/ năm, tăng từ 20 – 40 kg/ha/năm so với năm 2021. Mục tiêu đến năm 2025, huyện Ngọc Hiển phấn đấu tất cả diện tích tôm – rừng trên địa bàn huyện được các tổ chức chứng nhận đạt chuẩn nuôi tôm sinh thái. 

Hội tụ công nghệ ngành tôm 

Những năm qua, nhiều mô hình nuôi tôm siêu thâm canh được triển khai, áp dụng tại tỉnh Cà Mau đã phát triển mạnh, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trên địa bàn. Trước đây, ông Nguyễn Thanh Bá, ngụ ấp Nam Chánh, xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi thực hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh theo cách truyền thống. Việc xử lý nước thải ít được quan tâm, chủ yếu xả thải thẳng ra môi trường, kênh rạch. 

Đến tháng 7/2023, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau chọn diện tích đất nuôi tôm của ông Bá để thực hiện thí điểm mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 3 giai đoạn bằng công nghệ tuần hoàn nước và an toàn sinh học. Qua tìm hiểu, ông Bá nhận thấy mô hình hay, có nhiều ưu điểm trong xử lý nguồn nước, không gây ô nhiễm môi trường nên ông đồng ý và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện. Ông Nguyễn Thanh Bá, cho biết: “Đối với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh 3 giai đoạn theo hình thức tuần hoàn nước, bước đầu tôi thấy tôm phát triển tốt. Ở giai đoạn 1, tôm giống khi bắt về thả vào ao ương khoảng 20 – 25 ngày thì chuyển sang ao nuôi giai đoạn 2. 

Trong thời gian này, theo dõi sinh trưởng tôm đạt kích cỡ theo tiêu chuẩn thì chuyển sang nuôi giai đoạn 3 để nuôi thương phẩm cho đến khi thu hoạch. Khi tôm được 60 ngày tuổi, sẽ đạt trọng lượng từ 70 – 75 con/kg là coi như đạt yêu cầu. Tôi rất thích mô hình nuôi tôm theo hình thức này. Vì nguồn nước thải sẽ được xử lý qua các hệ thống lọc và cấp trở lại các ao nuôi. So với trước kia, tôi có thể giảm chi phí khoảng 100 triệu đồng/vụ nuôi”. 

Đa dạng sản phẩm OCOP từ tôm 

Để đa dạng hóa cũng như nâng cao giá trị tôm Cà Mau, nhiều hộ dân, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể sáng tạo, phát triển thành sản phẩm có nguồn gốc địa phương OCOP. Tính đến nay, toàn tỉnh Cà Mau có 137 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 53 sản phẩm của 22 chủ thể được chế biến từ tôm, chiếm 39%. Các sản phẩm OCOP được chế biến từ tôm trong tỉnh như: Tôm khô, bánh phồng tôm, chà bông tôm, chả tôm, tôm rang, mắm tôm chua, tôm khô ép… mang hương vị đặc trưng của tôm Cà Mau. 

Các sản phẩm OCOP từ tôm khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu tôm của tỉnh, được đánh giá là phù hợp với thị hiếu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, thể hiện đậm nét đặc sắc, truyền thống của địa phương. Việc phát triển sản phẩm OCOP thời gian qua góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang 

sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường và người tiêu dùng, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị. 

Lợi thế về xuất khẩu 

Số liệu thống kê từ Sở Công thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh Cà Mau trong tháng 10/2023 đạt 100 triệu USD, lũy kế 873,39 triệu USD, bằng 72,78% kế hoạch, giảm 7,73% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù xuất khẩu tôm trong tháng 10/2023 chưa thoát khỏi tăng trưởng âm, nhưng mức giảm đã thu hẹp dần qua từng tháng. 

Hiện, Cà Mau có 41 nhà máy chế biến thủy sản của 38 doanh nghiệp trong đó chủ đạo là chế biến tôm, với lực lượng công nhân lên đến 20.000 người. Tổng công suất sản xuất, chế biến của các nhà máy ước đạt gần 250.000 tấn/năm. Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu rất nhạy bén, thích ứng nhanh với biến đổi khí hậu, tiếp cận nhanh với thị trường, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong xuất khẩu. Máy móc thiết bị của các nhà máy đã được đầu tư xứng tầm khu vực; tay nghề công nhân được nâng cao, chế biến được nhiều mặt hàng giá trị gia tăng. Với năng lực trên, Cà Mau hoàn toàn có thể đáp ứng những đơn hàng xuất khẩu có giá trị, đảm bảo số lượng, chất lượng, size cỡ lớn. 

Hiện, tôm Cà Mau đã có mặt trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, 4 thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, EU và Trung Quốc. Ngành nông nghiệp địa phương đang tích cực phối hợp với ngân hàng để hỗ trợ người nuôi tiếp cận các gói vay với lãi suất ưu đãi. Ðồng thời, phối hợp với chính quyền cơ sở phát triển, mở rộng diện tích nuôi tôm đối với các mô hình nuôi đạt hiệu quả; hỗ trợ các HTX nuôi tôm tiếp cận nguồn vật tư đầu vào (giống, thức ăn, thuốc…) với giá cả hợp lý. Ðặc biệt, thời tiết đang giao mùa, tôm dễ phát sinh dịch bệnh, người nuôi cần tuân theo những khuyến cáo của ngành chuyên môn về phòng chống dịch bệnh, tăng cường đề kháng cho tôm nuôi để tăng năng suất, đạt mục tiêu đề ra. 

Hoài Phương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!