(TSVN) – Tôm sú, từ vị trí “thất thế” trước tôm thẻ chân trắng (TTCT), nay bắt đầu quay trở lại. Nhiều nông dân châu Á đã chuyển sang nuôi tôm sú mật độ thấp thay mô hình TTCT thâm canh.
Đầu thập niên 1970 và 1980, ngành tôm sú vẫn phụ thuộc vào nguồn tôm giống (PLs) tự nhiên. Khi nhiều nông dân mở rộng diện tích và nhu cầu tôm giống tăng lên, các trại giống dần hình thành nhưng vẫn phụ thuộc vào tôm bố mẹ đánh bắt tự nhiên.
Phụ thuộc vào đánh bắt tự nhiên nên nhiều vùng sản xuất thiếu hụt tôm sú bố mẹ trong khi chất lượng tôm giống không đảm bảo. Từ đây, các nhà nghiên cứu và trại giống thương mại đã phát triển kỹ thuật cắt bỏ cuống mắt tôm mẹ nuôi nhốt với thành công ban đầu nhưng chưa thể mở ra ngành sản xuất tôm giống thương mại. Mặc dù nghiên cứu về dinh dưỡng tôm sú bố mẹ cũng phần nào thúc đẩy sản xuất tôm giống, nhưng tôm mẹ nuôi nhốt thường mang lại sản lượng PLs và tỷ lệ sống thấp hơn. Do đó, nhiều trại giống vẫn ưu tiên sử dụng tôm sú mẹ tự nhiên.
Tôm sú vẫn là đối tượng nuôi quan trọng. Ảnh: ST
Một số dịch bệnh bắt đầu xuất hiện khi ngành tôm sú mở rộng. Đáng chú ý nhất là virus MBV (Monodon baculovirus), tác nhân khiến tôm sú còi cọc, hoành hành khắp Đài Loan, Malaysia, Philippines, Polynesia, Hawaii và Singapore. Nhiều nghiên cứu khẳng định tôm sú có khả năng chống chịu virus này khá tốt nhưng chỉ trong những điều kiện nuôi tối ưu. Các trại tôm sú giống cũng gặp vấn đề nghiêm trọng với vi khuẩn Vibrio và bệnh đốm trắng (WSSV). Đầu những năm 2000, MBV tiếp tục hoành hành và tàn phá ngành tôm sú Thái Lan, khiến sản lượng giảm từ 40% xuống 70% chỉ trong hai năm.
Tiến sĩ Stephen Newman, một chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe tôm cho biết, tôm sú bố mẹ tự nhiên mang mầm bệnh đã gây thiệt hại lớn cho các trại tôm giống. Do đó, khi TTCT SPF xuất hiện, nhiều trại đã bỏ tôm sú và chuyển sang nuôi TTCT. Đồng quan điểm với Stephen Newman, tiến sĩ Vitor Suresh nhấn mạnh ngành tôm sú châu Á không thoát khỏi chu kỳ bùng nổ và suy thoái do nông dân chật vật ứng phó dịch bệnh từ đầu thập niên 2000 trở đi. Nhiều nỗ lực gia hóa tôm sú không thành công như kỳ vọng. Khi bắt đầu sử dụng TTCT giống SPF nhập khẩu từ Mỹ, các nước châu Á nhận thấy tôm phát triển tốt, tỷ lệ sống cao, mật độ nuôi 60 – 100 con/m2 trong khi tôm sú chỉ 15 – 20 con/m2. Do đó, 90% trang trại nuôi tôm ở châu Á chuyển sang TTCT.
Diện tích nuôi tôm sú đang tăng trở lại trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi thị trường TTCT có dấu hiệu bão hòa và dư cung. Nhiều chuyên gia cho rằng, tôm sú không thể lấy lại vị thế “độc tôn” như trước đây, nhưng tiếp tục là đối tượng nuôi quan trọng.
Tiến sĩ Newman nhận định, một số nhà sản xuất đang quay lại với tôm sú vì thị trường TTCT bão hòa, trong khi tôm sú giống SPF và cải tiến di truyền xuất hiện. Nhờ đó, các vấn đề dịch bệnh ở trại nuôi, cùng nhu cầu protein của tôm sú trong thức ăn cũng được giảm thiểu. Hiện, Indonesia đang mở rộng các vùng nuôi tôm sú mật độ thấp, tiết kiệm thức ăn và giảm chi phí sản xuất.
Phần lớn trang trại TTCT ở Đông Nam Á đều nuôi mật độ cao, đòi hỏi vốn đầu tư lớn và rủi ro cũng cao hơn do dịch bệnh tiềm ẩn, an toàn sinh học kém và thiếu cơ chế giám sát pháp lý. Do đó, ngành tôm Đông Nam Á vẫn không thể cạnh tranh với Ecuador có chi phí sản xuất TTCT cạnh tranh hơn. Một số trại ở Đông Nam Á bắt đầu nuôi tôm sú trở lại với con giống SPF và cải tiến di truyền nhưng vẫn không tránh được những hạn chế cố hữu. Tuy nhiên, nuôi tôm sú mật độ cao để giảm chi phí sản xuất không hề đơn giản vì tôm sú không phát triển tốt trong môi trường này. Do đó, tôm sú có khả năng chiếm lĩnh thị trường kinh doanh hàng đặc sản, trong khi TTCT là đối tượng được nuôi nhiều nhất.
Sự phát triển của khoa học, công nghệ đang tạo cú hích mới cho ngành tôm sú hiện nay. Trung tâm Phát triển thủy sản Đông Nam Á đang khởi xướng chương trình phục hồi ngành tôm sú tại Philippines thông qua gia tăng nguồn cung tôm giống chất lượng cao và nâng cấp cơ sở hạ tầng. Tại Việt Nam, mô hình nuôi ghép tôm sú, cua biển và rong biển cũng gặp nhiều thuận lợi. Cùng đó, Ấn Độ đẩy mạnh mô hình nuôi thủy đa dinh dưỡng tổng hợp (IMTA) trong môi trường nước ấm với các đối tượng tôm sú, cá măng và ngao vàng trong rừng ngập mặn ở Ấn Độ.
Tiến bộ về dinh dưỡng tôm sú cũng hứa hẹn cắt giảm chi phí thức ăn và nâng cao tỷ lệ sống cho tôm giống. Ngoài ra, cải tiến di truyền gen trên tôm sú cũng ghi nhận những thành công nhất định. Hiện các nhà nghiên cứu ở Australia đã bắt đầu quá trình xác định dấu hiệu di truyền quan trọng trên tôm sú thông qua dữ liệu hệ gen. Tiến sĩ Suresh cho biết, tương lai ngành tôm sú sẽ còn sáng trong những năm tới bởi nhiều yếu tố, trước tiên là sức hút thị trường hơn hẳn TTCT,đặc biệt là tôm sú cỡ lớn 35-50g.Làn sóng quay trở lại của tôm sú bùng lên nhờ sự sẵn có tôm bố mẹ gia hóa và tôm giống sạch bệnh khắp châu Mỹ đến châu Á. Tuy nhiên, ngành tôm sú vẫn còn đối mặt nhiều thách thức phía trước.
Nguồn cung tôm sú giống SPF chưa đủ đáp ứng nhu cầu, trong khi số lượng tôm sú bố mẹ vẫn còn hạn chế. Quá trình nhân giống tôm sú trong trang trại cũng không dễ dàng như TTCT. Tôm sú bố mẹ có kích thước lớn cũng khiến khâu vận chuyển an toàn suốt chặng đường dài gặp nhiều trở ngại. Cùng đó tôm giống SPF chỉ phát triển ở mật độ nuôi thấp. Do đó, sản lượng tôm sú vẫn thua xa TTCT. Theo Tiến sĩ Suresh, người nuôi tôm sú nên tập trung vào sản phẩm có giá trị cao như tôm sú hữu cơ, tôm nguyên con để tăng lợi nhuận.
Tôm sú (Penaeus monodon) là một trong những loài tôm đầu tiên được nuôi thương mại. Giai đoạn 1998 - 2003, sản lượng tôm sú chiếm gần một nửa tổng sản lượng tôm nuôi toàn cầu. Sau đó, sản lượng tôm sú giảm mạnh xuống 15% bởi nhiều yếu tố gồm dịch bệnh, kỹ thuật hạn chế, và sự xuất hiện của TTCT Thái Bình Dương.
Tuấn Minh
(Tổng hợp)