Với vai trò là đại diện quyền lợi, cung cấp thông tin, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, chuyển giao công nghệ…, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp đã và đang là cầu nối quan trọng, giúp nhà nước, doanh nghiệp gắn kết với người lao động.
Tầm quan trọng
Tổ chức xã hội – nghề nghiệp còn được gọi là tổ chức phi lợi nhuận. Đây là một xu hướng tất yếu, một hướng đi nhằm bổ sung hạn chế của các tổ chức kinh doanh theo nguyên tắc lợi nhuận, khỏa lấp các giới hạn của nhà nước, đặc biệt trong xu thế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế như hiện nay.
Tổ chức này hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự chủ về tài chính, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật; không nằm trong hệ thống bộ máy nhà nước; hoạt động không vì lợi nhuận. Đây thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, giúp truyền đạt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời phản ánh tiếng nói của nông, ngư dân và doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật với Đảng và Nhà nước để các cơ chế, chính sách sát thực tế. Đồng thời, có vai trò quan trọng trong đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên trong các tranh chấp thương mại. Các tổ chức này thực sự hỗ trợ sự phát triển và khỏa lấp các khiếm khuyết của nền kinh tế thị trường.
Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng tham quan một mô hình nuôi tôm ở Bạc Liêu – Ảnh: Phan Thanh Cường
Theo ông Nguyễn Kim Phong – Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, vai trò của hiệp hội rất quan trọng, nó là cầu nối tất cả các quyết định, chính sách của Đảng, Nhà nước, giới chuyên môn, viện nghiên cứu đến nhà sản xuất.
Rào cản trong hoạt động
Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, một trong các cam kết quan trọng phải thực hiện là Nhà nước sẽ không can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; vì thế, vai trò các hội, hiệp hội càng được nâng cao. Điều này đã được thể hiện qua việc nhiều trường hợp tranh chấp, dàn xếp trong thương mại quốc tế là do các hội, hiệp hội đứng ra thực hiện, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ.
Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các hội, hiệp hội còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động, bởi nhiều lý do, trong đó vấn đề tài chính có lẽ là lớn nhất. Theo ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, hầu hết các hội, hiệp hội ở nước ta đều tự trang trải mọi chi phí, nên hoạt động khó khăn. Hơn nữa theo quy định, hội, hiệp hội là tổ chức hoạt động tự nguyện, phi lợi nhuận. Và có lẽ vì yếu tố này mà khó khăn của các hội, hiệp hội ít được cơ quan quản lý quan tâm.
Theo ông Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam: Hiện nay, ở Việt Nam có rất nhiều các tổ chức xã hội – nghề nghiệp ở nhiều ngành nghề khác nhau được thành lập, điều này phù hợp với xu hướng của thế giới. Và cũng đã có nhiều tổ chức hoạt động rất hiệu quả. Tuy nhiên, hoạt động của các tổ chức này còn nhiều khó khăn. Đầu tiên là vì nước ta mới có nền kinh tế thị trường nên thói quen sinh hoạt cộng đồng, đoàn kết để tạo thành sức mạnh cho các tranh chấp thương mại chưa cao. Hơn nữa, Nhà nước hiện vẫn chưa có chính sách hỗ trợ hay bảo hộ cho các tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Hỗ trợ ở đây không đơn thuần là về kinh tế, mà còn về cơ chế, chính sách và cơ sở pháp lý cho hoạt động của các hội, hiệp hội. Cũng chính vì vậy mà các tổ chức xã hội – nghề nghiệp phần lớn phải dựa vào sức mình, tự xây dựng uy tín để lôi kéo hội viên và đối với xã hội.
>> Một điểm yếu nữa của các hội, hiệp hội là cơ sở pháp lý để hoạt động chưa rõ ràng đối với chính hiệp hội cũng như đối với xã hội. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có tới 71% số hiệp hội, hội chưa có bộ phận chuyên trách về pháp luật. Đây chính là bất cập khiến hoạt động của các hiệp hội trong vai trò đại diện tiếng nói cũng như tiếp sức cho nông, ngư dân và doanh nghiệp gặp nhiều hạn chế. |