Ấp Trần Mót, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau là vùng nuôi tôm chuyên canh theo hình thức truyền thống, song, càng về sau năng suất tôm nuôi càng giảm, thu nhập bấp bênh.
Nhờ sự đoàn kết giúp đỡ nhau trong sản xuất thông qua tổ hợp tác (THT), nhiều mô hình sản xuất đa cây, đa con được hình thành, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Việt, Tổ trưởng THT đa cây, đa con ấp Trần Mót, vừa mới lên đầm tôm công nghiệp, sau khi trừ các khoản chi phí, lãi còn trên 150 triệu đồng. Đây là vụ tôm thứ 4 đem lại lợi nhuận cho gia đình ông sau hơn 2 năm nuôi tôm công nghiệp.
Ông Nguyễn Hoàng Nhất, Phó Trưởng Ban nhân dân ấp, cũng là thành viên trong THT với các mô hình vèo cua giống, nuôi cua, tôm, cá bống tượng, trồng hoa màu, và mô hình mới nhất của gia đình ông là nuôi rắn ri tượng.
Ông Nhất cho biết, ấp Trần Mót có 335 hộ, thu nhập chính của người dân trong ấp từ nuôi thuỷ sản. Ngoài ra, trên các bờ vuông, đất trống, hầu hết bà con tận dụng trồng hoa màu để cải thiện cuộc sống.
Mỗi năm gia đình ông Nguyễn Thanh Hải thu nhập từ con cua trên 50 triệu đồng.
Ông Trần Văn Việt cho biết, được thành lập vào cuối năm 2010, đến nay THT có 13 thành viên, hầu hết đều thực hiện mô hình đa cây, đa con nên thu nhập mỗi năm đều trên 100 triệu đồng.
Điển hình như hộ ông Võ Văn Chính, ngoài diện tích nuôi tôm thiên nhiên, ông còn nuôi cá bống tượng, ba ba, trồng hoa màu và nuôi tôm công nghiệp, mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng trên diện tích 24 công.
Hay như hộ ông Nguyễn Văn Hải, ngoài nuôi tôm thiên nhiên, ông còn nuôi cua, trồng hoa màu. Chỉ tính riêng con cua, mỗi năm ít nhất cũng đem lại cho gia đình ông 50 triệu đồng/15 công đất.
Ông Việt chia sẻ: Tinh thần đoàn kết của các thành viên trong tổ rất cao. THT không những hỗ trợ các tổ viên về vốn, kỹ thuật sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập mà còn tích cực tham gia các phong trào an sinh xã hội như: vận động các thành viên trong tổ hỗ trợ tiền làm lộ cho những hộ khó khăn trên địa bàn ấp, nhiệt tình tham gia đóng góp các quỹ khi địa phương phát động…
Nhờ cùng liên kết trong sản xuất, các thành viên trong tổ có thể trao đổi và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau nên nhiều năm liền THT đều thu được hiệu quả kinh tế cao.
Có thể nói, hoạt động của THT đóng góp nhất định vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương, nâng cao thu nhập cho tổ viên, góp phần vào công tác giảm nghèo. Sự hình thành và phát triển của THT đã huy động được nguồn lực người dân, phù hợp với trình độ quản lý, mức độ liên kết sản xuất của nông dân hiện nay, có tác dụng thiết thực khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.