Toàn cảnh ngành hàng cá tra năm 2024

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngày 17/11/2024, tại tỉnh Đồng Tháp, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị tổng kết ngành hàng cá tra năm 2024 và bàn giải pháp triển khai nhiệm vụ năm 2025 cho cái nhìn toàn cảnh về sản phẩm chiến lược này.

Kết quả sản xuất, tiêu thụ

Về giống, báo cáo của các địa phương, hiện có hơn 240.000 con cá bố mẹ sẵn sàng tham gia sinh sản. Trong đó, 180.000 con được tuyển chọn từ cá nuôi thương phẩm và 60.000 con là cá tra chất lượng cao do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II chuyển giao từ nguồn Chương trình giống 2016 – 2020 (40.000 con đã sinh sản và 20.000 con tham gia sinh sản lần đầu). Đến hết tháng 10/2024, sản lượng cá bột 25,95 tỷ con; cá giống 3,9 tỷ con. Ước cả năm 2024, sản lượng cá bột 30 tỷ con; cá giống 4,0 tỷ con (bằng 116% cùng kỳ năm 2023).

Giá cá tra giống cỡ 30 con/kg trung bình năm 2024 dao động 24.000 – 33.000 đồng/kg. Ba tháng đầu năm, giá dao động mức 34.000 – 39.000 đồng/kg, từ 2 tuần cuối tháng 4/2024 đến nay giá giảm dần và duy trì ở mức 24.000 – 30.000 đồng/kg.

Kết quả nuôi thương phẩm, cũng theo các địa phương, tổng diện tích thả nuôi trong năm 2024 ước 5.370 ha (bằng 95% năm 2023). Diện tích thả nuôi mới mỗi năm trong giai đoạn 2020 – 2024 khá ổn định, duy trì mức 5.200-5.800 ha (năm 2020 do đại dịch Covid 19 nên giảm đáng kể). Sản lượng thu hoạch năm 2024 ước 1,67 triệu tấn, bằng 99% năm 2023.

Giá mua cá tra nguyên liệu trong 11 tháng đầu năm 2024 duy trì 26.000 – 27.000 đồng/kg. Người nuôi khó có lợi nhuận vì giá thức ăn cho cá, nhiên liệu và chi phí nhân công trong năm 2024 đều tăng.

Báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến 15/10/2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra 1,56 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu cá tra phi lê biến động phụ thuộc theo thị trường và thời điểm xuất khẩu, trung bình dao động từ 2.000 – 3.500 USD/tấn.

Quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm

Báo cáo của Cục Thủy sản, cả nước có 1.920 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra, trong đó, 2 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống bố mẹ; 76 cơ sở sản xuất giống và 1.842 cơ sở ương dưỡng cá tra bột lên cá giống. Kết quả kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện: 2 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống bố mẹ đã được Cục Thủy sản cấp và kiểm tra duy trì, công suất sản xuất cá bố mẹ trên 30.000 con/năm, đáp ứng nhu cầu sản xuất giống.

Có 61/76 cơ sở sản xuất giống và 97/1.842 cơ sở ương dưỡng giống được địa phương cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất. Trong năm 2024, kiểm tra duy trì điều kiện sản xuất cho 38/61 cơ sở sản xuất giống và 81/97 cơ sở ương dưỡng giống, thu hồi 10 Giấy. Có 18 cơ sở thực hiện công bố hợp quy theo quy định.

Diện tích nuôi cá tra giai đoạn 2020 – 2024

Sản lượng cá tra thu hoạch theo từng năm trong giai đoạn 2020 – 2024

Cả nước có 46 nhà máy có vốn đầu tư trong nước và 40 nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất thức ăn hỗn hợp cho cá tra đã được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện. Khoảng 400 sản phẩm công bố sử dụng trong nuôi cá tra từ giống đến thương phẩm đã được cấp xác nhận sản phẩm thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường.

Quản lý điều kiện nuôi và đảm bảo an toàn thực phẩm, báo cáo của các địa phương ĐBSCL có 1.287 cơ sở nuôi cá tra, trong đó, 1.107 cơ sở (chiếm 86%) đã đăng ký và có Giấy xác nhận đăng ký nuôi hoặc mã số nhận diện. Còn 180 cơ sở (14%) chưa được cấp Giấy xác nhận đăng ký nuôi do ngoài vùng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương hoặc quy mô nuôi nhỏ lẻ, sản phẩm bán chợ dân sinh.

Cũng theo báo cáo của địa phương, có 1.240/1.287 cơ sở nuôi (96,3%) với diện tích 4.301,97 ha được thẩm định, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện hoặc ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm.

Một số tồn tại và dự báo tương lai

Về con giống, tỷ lệ sống trong quá trình ương dưỡng từ cá bột lên giống chưa được cải thiện đáng kể. Cá bố mẹ tham gia sinh sản có nguồn gốc từ cá được chọn lọc, nâng cao chất lượng di truyền chiếm tỷ lệ chưa cao (chỉ 25%). Tỷ lệ cơ sở ương dưỡng giống cá tra được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện còn thấp (chỉ 5,3%).

Sản phẩm giá trị gia tăng còn chiếm tỷ trọng nhỏ, chủ yếu vẫn là sản phẩm đông lạnh. Việc phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Trung Quốc và một số quốc gia trong khối ASEAN khiến ngành hàng cá tra có thể gặp bất lợi nếu các thị trường này có thay đổi chính sách hoặc yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm. Thiếu sự phối hợp và còn cạnh tranh quá mức giữa các nhà chế biến, xuất khẩu Việt Nam cùng với chất lượng chưa đồng đều đã ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu sản phẩm cá tra Việt Nam.

Theo dự báo của FAO, tới năm 2030, tiêu thụ thủy sản làm thực phẩm trên thế giới dự kiến sẽ tăng 18% (tương đương 28 triệu tấn) so với năm 2018. Châu Á sẽ tiêu thụ mạnh nhất, chiếm khoảng 71% (183 triệu tấn thủy sản), trong khi Châu Mỹ Latinh tiêu thụ ít nhất. Dự kiến tiêu thụ ở Châu Mỹ Latinh tăng 33%, Châu Phi (27%), Châu Đại Dương (22%) và Châu Á (19%). Tiêu thụ bình quân đầu người dự kiến đạt 21,5 kg vào năm 2030, tăng từ 20,5 kg năm 2018. Tới năm 2030, thủy sản nuôi sẽ chiếm khoảng 59% lượng tiêu thụ thủy sản, tăng từ 52% vào năm 2018. Thủy sản nuôi sẽ tiếp tục đáp ứng nhu cầu và tiêu dùng nhờ sự chuyển đổi một số loài từ khai thác tự nhiên sang nuôi. Về thị hiếu, tiêu thụ thủy sản chế biến nhanh, ăn liền và tiện dụng cũng gia tăng.

Khó khăn và mục tiêu năm 2025

Biến đổi khí hậu cùng với sự thay đổi về lũ thượng nguồn ảnh hưởng tới lượng nước ngọt trên sông Mê Kông và xâm nhập mặn ở ĐBSCL có thể sẽ tác động đến hoạt động nuôi cá tra. Thức ăn chiếm tỷ trọng cao nhất trong chi phí nuôi cá tra. Nguồn cung bột cá, dầu cá – nguyên liệu chính sản xuất thức ăn hiện có xu hướng giảm cùng với các quy định về đánh bắt bất hợp pháp ngày càng chặt chẽ khiến việc lệ thuộc vào nguồn cung này trở nên không bền vững.

Các quốc gia Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc đang mở rộng diện tích nuôi cá tra và chế biến các sản phẩm thủy sản tương tự. Mặc dù chất lượng sản phẩm có thể chưa đồng đều như Việt Nam, nhưng với chiến lược tiếp cận thị trường tốt, các nước này đang từng bước chiếm lĩnh được một vài thị trường với giá phù hợp phân khúc thị trường mà họ hướng tới. Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh trong việc duy trì và mở rộng thị phần, đặc biệt tại các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản và GCC.

Định hướng của ngành cá tra năm 2025, sản lượng đạt khoảng 1,65 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 2 tỷ USD.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!