Tại các nước xuất khẩu tôm càng xanh (TCX) hàng đầu thế giới, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này đang tăng cao ngay tại thị trường nội địa và thế giới.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, hoạt động nuôi TCX đã phát triển với tốc độ chóng mặt, do sản lượng tôm tự nhiên đã cạn kiệt và do nhu cầu tiêu thụ của thế giới tăng cao, khiến TCX trở thành loài thủy sản nuôi có giá trị kinh tế cao. Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Đài Loan đều là những quốc gia nuôi TCX lớn nhất thế giới, nhưng ngay tại thị trường nội địa của những quốc gia này, nhu cầu tiêu thụ TCX cũng đang tăng mạnh. TCX đánh bắt tự nhiên đã trở thành mặt hàng xuất khẩu quen thuộc trên toàn thế giới từ nhiều thập kỷ nay; Tuy nhiên, gần đây, do sản lượng tự nhiên cạn kiệt, thì mặt hàng TCX nuôi, sơ chế đông lạnh như đông Block, đông IQF, semi-IQF trở nên phổ biến, nhất là tại thị trường EU.
Theo thống kê của FAO, Ấn Độ, Việt Nam, Bangladesh và Thái Lan xuất khẩu một lượng lớn TCX tự nhiên và tôm nuôi. Bangladesh là một trong 7 nhà cung cấp TCX lớn trên thế giới, bên cạnh Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. 70% tổng sản lượng TCX tại Bangladesh dành để phục vụ xuất khẩu. Hầu hết TCX được xuất sang thị trường EU; trong đó, Bỉ, Anh, Hà Lan, Đức là những nước tiêu thụ mạnh nhất.
Tại châu Á, TCX được tiêu thụ mạnh tại thị trường Nhật Bản; bên cạnh đó, xuất hiện một số thị trường mới của TCX như Nga, Hồng Kông, Singapore. Tại Ấn Độ, nhu cầu tiêu thụ TCX tăng mạnh ngay tại thị trường nội địa từ năm 2005, do đó, sản lượng xuất khẩu TCX của nước này đã giảm đáng kể, đạt 3.401 tấn về sản lượng và 34,84 triệu USD (năm 2009 – 2010). Tuy nhiên, sự khắt khe của thị trường EU, Mỹ về các rào cản thương mại, hệ thống tiêu chuẩn VSATTP, truy xuất nguồn gốc cũng đang là trở ngại với các nước xuất khẩu TCX, trong đó có Việt Nam.