Theo thống kê chưa đầy đủ, tỉnh Trà Vinh có khoảng 8.500 hộ thả nuôi hơn 1 tỷ con tôm giống trên diện tích khoảng 5.500 ha bị thiệt hại, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Cầu Ngang và Duyên Hải.
Tôm nuôi bị chết thường ở giai đoạn 20 – 45 ngày tuổi, gây thiệt hại nặng cho người nuôi.
Theo nhận định, nguyên nhân tôm chết là do môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm nặng. Qua kết quả phân tích các mẫu nước, bệnh phẩm thu tại vùng nuôi bị thiệt, phần lớn đều dương tính với virus bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy.
Tỷ lệ mầm bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy ở tôm thẻ chân trắng, tôm sú nuôi rất cao, trong khi đó, 2 loại bệnh này hiện không có thuốc đặc trị và khả năng lây lan lớn.
Bên cạnh đó, thời tiết không ổn định, mưa nắng xen kẽ, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch quá cao, khiến tôm bị “sốc nhiệt,” sức đề kháng yếu.
Nhằm bảo vệ đàn tôm nuôi, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống bám cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương triển khai biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ đàn tôm nuôi; thường xuyên bổ sung vitamin, men tiêu hóa để tăng sức đề kháng, ổn định đường ruột tôm nuôi…
Xử lý hồ nuôi tôm bị dịch bệnh – Ảnh: Hồ Cầu
Đồng thời, phối hợp chặt với các ngành, cấp có liên quan chỉ đạo đơn vị chức năng rà soát, chấn chỉnh công tác thống kê, chẩn đoán xét nghiệm, tổng hợp thông tin, số liệu báo cáo về diện tích dịch bệnh thủy sản.
Ngành nông nghiệp tỉnh tham mưu biện pháp quản lý sản xuất và phòng chống dịch phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương; hướng dẫn nhân rộng các mô hình nuôi đã thành công; xử lý kịp thời, tăng cường kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh và chất lượng các sản phẩm.
Ngoài ra, cần hướng dẫn người nuôi không lạm dụng các loại thuốc thú y, hóa chất trong phòng bệnh, chỉ sử dụng thuốc thú y, hóa chất trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam; ngừng sử dụng trước khi thu hoạch theo đúng chỉ dẫn của nhà sản xuất, của cơ quan chuyên môn để tránh tồn dư hóa chất trong sản phẩm thủy sản, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng và xuất khẩu.