(TSVN) – Là tỉnh có diện tích và sản lượng tôm đứng đầu cả nước, do đó, việc quản lý tôm giống luôn được ngành chức năng tỉnh Cà Mau quan tâm, chú trọng. Nhờ vậy, chất lượng con giống ngày càng nâng cao, đáp ứng nhu cầu người dân.
Cà Mau là một trong những vùng kinh tế thủy sản trọng điểm của cả nước, ngành thủy sản đóng góp trên 30% GDP của tỉnh. Với trên 278.642 ha nuôi tôm, nhu cầu tôm giống phục vụ cho các vùng nuôi ở Cà Mau hàng năm gần 30 tỷ con. Toàn tỉnh hiện có khoảng 532 cơ sở sản xuất và 120 cơ sở kinh doanh giống và có lợi thế rất lớn về tôm giống bố mẹ. Mặc dù có số lượng nhiều, tuy nhiên, phần lớn cơ sở sản xuất tôm giống trong tỉnh có quy mô nhỏ lẻ, cơ sở vật chất chưa đạt yêu cầu. Vì vậy, lượng tôm giống sản xuất còn khá khiêm tốn, chỉ đáp ứng được khoảng 40%, chất lượng con giống thấp.
Để khắc phục những hạn chế, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, tạo bước đột phá trong phát triển lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh, năm 2013, UBND tỉnh Cà Mau xây dựng Đề án: “Nâng cao chất lượng tôm giống trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2020”. Qua hơn 7 năm thực hiện, đề án đã đạt được nhiều mục tiêu đề ra. Chất lượng con giống ngày càng nâng lên, 60% tôm giống thả nuôi đạt tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 8398; 95% số lượng tôm giống nhập tỉnh được kiểm dịch và kiểm tra chất lượng; tôm giống sản xuất trong tỉnh đáp ứng 60% nhu cầu nuôi tôm trong tỉnh (tăng 20% so năm 2012); 90% kỹ thuật viên cơ sở sản xuất tôm giống nắm vững quy trình kỹ thuật về sản xuất tôm giống (tăng 32% so năm 2012) và 100% cán bộ trong lĩnh vực quản lý chất lượng tôm giống được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; 90% cơ sở sản xuất tôm giống nằm trong quy hoạch; 70% số hộ nuôi tôm nắm vững các quy trình, kỹ thuật cơ bản trong ương, nuôi tôm 2 giai đoạn.
Ảnh Việt Úc
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau nhận định, Đề án đã làm thay đổi nhận thức, khắc phục những hạn chế từ sản xuất đến nuôi trồng của người dân, từ đó chất lượng con giống ngày càng nâng lên, sản lượng NTTS không ngừng tăng nhanh qua từng năm. Tuy nhiên, sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là phần lớn cơ sở sản xuất tôm giống trong tỉnh là nhỏ lẻ, cơ sở vật chất đang xuống cấp, hoạt động sản xuất kém hiệu quả, một số cơ sở chỉ sản xuất cầm chừng và cũng có cơ sở đã ngưng hoạt động trước đó. Trước thực tế này, ngành chức năng của tỉnh đang tăng cường kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, để loại bỏ những cơ sở không đủ điều kiện theo quy định, ưu tiên chọn những cơ sở, nhà đầu tư có năng lực, có tâm huyết với nghề, sản xuất ra con giống có chất lượng để phục vụ cho người nuôi.
Ngoài ra, để tăng cường công tác quản lý tôm giống trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng xử lý nghiêm cơ sở không đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, sử dụng tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc, xuất xứ; buộc tiêu hủy giống động vật thủy sản đối với hành vi vận chuyển giống thủy sản không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Ngoài việc kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch, phải tăng cường kiểm soát chất lượng và kích cỡ tôm giống để bảo vệ quyền lợi cho người nuôi. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi chọn tôm giống đảm bảo chất lượng, kích cỡ, nguồn gốc, xuất xứ để thả nuôi, nhằm tránh thiệt hại trong sản xuất.
Trần Tiến