Tôm là loài thủy sản được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Tôm đã được hưởng lợi rất nhiều từ độ co giãn của nhu cầu theo thu nhập vì đây được xem là một sản phẩm tốt cho sức khỏe, cao cấp, tiện lợi. Rabobank cho biết, thương mại tôm đã tăng lên 24 tỷ USD tính đến năm 2021 và trở thành loài thủy sản được giao dịch nhiều nhất.

Chu kỳ sản xuất ngắn của tôm cho phép các nhà xuất khẩu đáp ứng những thay đổi về nhu cầu. Do đó, các nhà xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Ecuador đã có thể tận dụng nhu cầu tăng nhanh ở Mỹ và Trung Quốc. Nhờ nhu cầu cao ở cả phía Đông và phía Tây, kết hợp với tiềm năng mở rộng công suất nhanh chóng, ngành tôm đã đạt mức tăng trưởng cao, tăng thêm 7,6 tỷ USD giá trị thương mại kể từ năm 2013.

Mỹ và Trung Quốc là 2 động lực chính của tiêu thụ tôm. Ảnh: Shutterstock

Theo Rabobank, kể từ năm 2013, Mỹ và Trung Quốc là 2 động lực chính của tiêu thụ tôm, với tốc độ CAGR lần lượt là 5,4% và 27%. Mỹ đã khẳng định vị thế là nhà nhập khẩu tôm hàng đầu, theo sau là Trung Quốc. Hai cường quốc này nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn tôm hàng năm.

Trung Quốc vẫn là một thị trường tiêu thụ lớn trên thế giới và ngày càng trở nên phụ thuộc vào hàng nhập khẩu khi mức tiêu thụ vượt xa sản xuất trong nước. Từ năm 2019 đến 2020, thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và giá trị thương mại giảm 4,8%. Duy nhất có thị trường Mỹ, giá trị nhập khẩu vẫn tăng 7,4% so cùng kỳ.

Hậu đại dịch COVID-19, ngành tôm phục hồi mạnh mẽ khi khối lượng và giá trị thương mại toàn cầu tăng lần lượt 14% và 19% trong năm 2021. Rabobank cho biết, năm 2021, Mỹ ghi nhận nhập khẩu tôm 8 tỷ USD, tăng 24,2% so năm 2020. Trung Quốc cũng phục hồi trong năm 2021, với giá trị nhập khẩu tôm ở mức 4,8 tỷ USD, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức trước đại dịch.

Trong năm 2021, nhu cầu tôm được hưởng lợi từ việc mở cửa lại nền kinh tế và tăng tiêu thụ dịch vụ thực phẩm bởi mức bán lẻ cao. Tuy nhiên, ngành hàng này đã gặp một “điểm uốn” khi giá giảm đáng kể trong nửa đầu năm 2022. Trong quý II/2022, ngành tôm đã có xu hướng đi xuống, với giá tôm giảm xuống dưới mức trước đại dịch.

Ngành tôm toàn cầu đang bước vào giai đoạn khó khăn hơn khi cung cầu đạt kỷ lục trong năm 2021. Nhu cầu và giá giảm trong khi chi phí thức ăn, vận chuyển, năng lượng vẫn ở mức cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận của người nuôi.

Rabobank cho biết, có thể trong ngắn hạn, nguồn cung tôm tăng ở Ecuador và Việt Nam sẽ làm giá giảm hơn nữa. Trong trung và dài hạn, câu hỏi đặt ra là các nhà sản xuất châu Á sẽ phản ứng thế nào trước sự thống trị ngày càng tăng của Ecuador. Có thể nguồn cung tôm tăng mạnh ở Ecuador sẽ gây thiệt hại cho một số nhà sản xuất châu Á.

Hải Băng

Theo Asian-agribiz

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!