Mô hình tôm – lúa đã mang lại hiệu quả khá, được coi là một mô hình “nông nghiệp thông minh” tại ĐBSCL thời gian qua. Phát triển cây lúa và xây dựng thương hiệu gạo trên vùng luân canh tôm lúa ven biển ĐBSCL là nội dung chính trong Hội nghị tôm – lúa vừa được tổ chức tại Sóc Trăng tháng 9/2012.
Hiệu quả kép
Tại ĐBSCL, những năm qua, sản lượng gạo luôn tăng cao. Bên cạnh đó, với việc phát triển đa ngành nghề, nhiều mô hình phối kết hợp được triển khai, trong đó kết hợp trồng lúa và nuôi tôm thuộc loại đáng kể nhất. Mô hình này đã mang lại lợi nhuận cao hơn 15 – 30% so với độc canh lúa hoặc tôm, góp phần quan trọng tạo sự bền vững môi trường; sản phẩm sạch, an toàn, nâng cao giá trị hàng hóa sản phẩm. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), những năm gần đây, hệ thống canh tác tôm – lúa phát triển mạnh tại ĐBSCL, từ vài chục ha năm 2005, nay đã lên 160.000 ha, dự kiến năm 2015 sẽ đạt 180.000 ha, tập trung tại các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang, Tiền Giang. Theo Tiến sĩ Nguyễn Công Thành (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam), trồng lúa trên đất nuôi tôm giúp cải tạo môi trường đất tốt, cây lúa và con tôm tác động hỗ trợ lẫn nhau. Trồng lúa sau vụ tôm không những tạo được sản phẩm chất lượng, an toàn, không sử dụng thuốc trừ sâu mà còn cung cấp nguồn thức ăn phong phú cho tôm. Mặt khác, tôm được nuôi trong ruộng lúa thì tôm lớn nhanh, ít bị bệnh và chất lượng tôm cũng tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, người đầu tiên trong ấp Phước Ninh, xã Phước Long, huyện Phước Long đưa cây lúa trồng trong vuông tôm tại Bạc Liêu cho biết, mỗi năm ông thu hoạch 2 vụ tôm nuôi, lãi trên 200 triệu đồng; vụ lúa cũng lãi gần 100 triệu đồng. Theo ông Hà Văn Hải (Tiền Giang), mô hình này phù hợp trình độ sản xuất và vốn của nông dân hiện nay, cây lúa ít sâu bệnh, lợi nhuận cao. Năm 2011, khi áp dụng mô hình, ông Hải thu được hơn 15 tấn lúa, 4 tấn tôm thương phẩm và lượng lớn thủy sản khác, tổng doanh thu hơn 209 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 165 triệu đồng.
Chưa xứng tiềm năng
Tuy đã mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất nhưng trước diễn biến bất thường của thời tiết, mô hình này nảy sinh nhiều bất cập. Tại Kiên Giang, từ đầu vụ đến nay, người dân thả nuôi khoảng 85.000 ha tôm, đạt gần 100% kế hoạch năm, trong đó hơn 68.000 ha tôm – lúa; nhưng đã có 7.300 ha bị thiệt hại. Cùng đó là sự phát triển không đồng đều về thủy sản giữa các địa phương, vùng miền, thiếu tập trung, không theo quy hoạch.
Hiện nay, hệ thống đê điều, thủy lợi vẫn chưa đáp ứng được cho sản xuất tôm – lúa – Ảnh: Phan Thanh Cường
Tại Cà Mau, trong khi con tôm đang khiến nhiều nông dân lao đao, vụ lúa – tôm được coi như chiếc phao “gỡ” lại rủi ro; nhưng đến nay toàn tỉnh mới gieo cấy được hơn 30.000 ha lúa trên đất nuôi tôm, trong tổng số 44.500 ha kế hoạch đề ra. Mặt khác, hệ thống đê điều, thủy lợi chưa đảm bảo cho sản xuất, không cấp thoát nước kịp thời vào mùa mưa lũ, gây ngập úng, ảnh hưởng tới mùa vụ gieo trồng. Ông Trần Quốc Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau nói, về lâu dài cần quy hoạch chính thức hệ thống trạm bơm trong tỉnh và các trạm bơm lưu động tại những trọng điểm sản xuất, nhằm cấp thoát nước kịp thời trong mùa mưa, tạo điều kiện tốt nhất cho sản xuất.
Đẩy mạnh các giải pháp
Để mô hình tôm – lúa phát triển bền vững và thích ứng biến đổi của khí hậu, thời gian tới cần triển khai đồng bộ các giải pháp, có sự phối hợp liên ngành. Theo đó, cần hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi đồng bộ, đảm bảo điều tiết nguồn nước nuôi tôm, trồng lúa theo từng vùng, tiểu vùng, trên cơ sở quy hoạch; chủ động kiểm soát, quản lý nguồn nước, nồng độ mặn và chất lượng nước theo yêu cầu sản xuất tôm – lúa; đầu tư trang thiết bị để kiểm nghiệm chất lượng tôm giống, xét nghiệm và cho kết quả nhanh dịch bệnh ở tôm; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi tôm quy mô lớn và có khả năng ứng phó cao, phòng tránh rủi ro biến đổi khí hậu.
Đồng thời, thực hiện hướng dẫn, tập huấn cho nông dân các biện pháp kỹ thuật nuôi, phòng trị bệnh cho tôm, xử lý tôm nuôi bị nhiễm bệnh và chết; tiếp tục đầu tư nghiên cứu, lai tạo ra nhiều giống lúa có khả năng chịu mặn tốt, kháng sâu bệnh, năng suất và chất lượng tốt. Giữ vững tính bền vững của mô hình, không chạy theo lợi nhuận khi tôm có giá cao mà phá vỡ mô hình làm phát sinh hệ lụy bất lợi, tuân thủ lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành chức năng.
>> Theo Cục Trồng trọt, tiềm năng và lợi thế phát triển hệ thống canh tác tôm – lúa ở ĐBSCL còn rất lớn; quy mô sản xuất có thể đạt 200.000 ha vào năm 2020, đóng góp thêm khoảng 800.000 tấn lúa. Từ năm 2000 đến nay, diện tích sản xuất theo mô hình tôm – lúa ở ĐBSCL không ngừng tăng (Kiên Giang từ 20.000 ha năm 2003, nay 60.000 ha; Cà Mau từ 15.000 ha, nay trên 25.000 ha; Bạc Liêu từ 10.000 ha, nay 21.000 ha…); nông dân thu lợi nhuận 27,5 triệu đồng/ha/năm. |