THỨ BA, ngày 21/1/2025

Tôm Mỹ – Protein hoàn hảo, bền vững?

Chưa có đánh giá về bài viết

Người tiêu dùng tại Mỹ ngày càng lo ngại chất lượng sản phẩm tôm nhập khẩu và thận trọng hơn trước các quyết định mua hàng. Nắm bắt tâm lý đó, nhiều nông dân tại Massachusetts bắt đầu nuôi tôm sạch và bền vững.

Lo ngại tôm nhập khẩu

Người Mỹ rất ưa chuộng tôm. Theo Cục Quản lý Đại dương và Khí tượng Mỹ (NOOA), tiêu thụ tôm bình quân năm 2012 là 3,8 pound/người, gấp đôi mức tiêu thụ bình quân năm 2002. Tôm là mặt hàng thủy sản có lượng nhập khẩu lớn nhất, chiếm 29% tổng khối lượng nhập khẩu thủy sản. Tuy nhiên, người tiêu dùng tại Mỹ ngày càng dè chừng với tôm nhập khẩu bởi những lo ngại ảnh hưởng tới sức khỏe. Bên cạnh đó, truyền thông liên tục đưa tin các trại nuôi tôm tại châu Á lạm dụng kháng sinh và hóa chất trong nuôi tôm. Trong vòng 2 tháng, tôm có thể đạt các cỡ 20, 21, 22 g . Trong khi đó, để đạt kích cỡ tương tự như vậy, các hộ nuôi tôm tại Mỹ phải mất 5 – 6 tháng, bởi họ không sử dụng chất kháng sinh hoặc hóa chất tăng trọng.

Darry Felder – chuyên gia nghiên cứu về giáp xác tại Đại học Louisiana cho biết, các tiêu chuẩn tôm nuôi thương phẩm toàn cầu ngày càng thấp, nhất là Đông Á, người nuôi tôm ở đây chỉ chạy theo lợi nhuận, bỏ qua chất lượng sản phẩm. Gần đây, Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên Thụy Điển (SSNC) đã cho phát sóng phóng sự điều tra “Sự thật đằng sau các trại nuôi tôm sinh thái”, càng dấy lên mối lo ngại về chất lượng tôm nhập khẩu. Đoạn video của SSNC như một hồi chuông thức tỉnh rất nhiều người tiêu dùng tại Mỹ và EU phải nhìn lại các mặt hàng tôm nhập khẩu mà họ đang sử dụng. Theo các chuyên gia SSNC, dưới mác tôm nuôi sinh thái, người nuôi tôm tại Ecuador và châu Á ngày càng gia tăng sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu để đẩy nhanh quá trình thu hoạch, làm môi trường biến đổi nghiêm trọng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tại đây đều tiến hành xây dựng trang trại nuôi tôm ồ ạt, thiếu quy hoạch, phá hủy các vùng rừng ngập mặn để đào ao nuôi không đạt tiêu chuẩn, thu mua con giống kém chất lượng và sử dụng thức ăn có hàm lượng bột cá đậm đặc.

Thu hoạch tôm tại Massachusetts, Mỹ         Nguồn: USM

Hút người tiêu dùng bằng tôm sạch

Nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng đang lo ngại về chất lượng tôm nhập khẩu, các hộ nuôi tại Mỹ bắt đầu nuôi tôm trong nhà, nhằm tạo ra loại protein hoàn hảo và bền. Sky 8 Shrimp Farm tại Stoughton, Massachusetts là trang  trại đi đầu trong hoạt động này.

Sky 8 Shrimp Farm cách bờ biển 30 dặm, diện tích không lớn nhưng hoạt động hiệu quả nhờ hệ thống máy bơm nước, truyền nhiệt và quạt sưởi với nhiều bể hình tròn, cao 1,8 mét, rộng 3,6 mét, chứa hàng nghìn con tôm thẻ Thái Bình Dương. Chủ trang trại, James Tran và Jimmy Devine cho biết, do nuôi tôm trong nhà nên nhiệt độ luôn được duy trì ổn định 250C. Một lợi thế nữa của mô hình này là không bị tác động bởi bờ biển, không có sự thất thoát tôm. Trước khi đổ nước biển vào bồn, chủ trang trại tiến hành thử mẫu nước để đảm bảo các khoáng chất và chất rắn trong nước phù hợp. Người nuôi tôm tại Massachusetts đều cho đây là mô hình nuôi thân thiện môi trường. Theo Jimmy Devine, trang trại được vận hành nhờ hệ thống lọc tuần hoàn và biofloc. Tôm được cho ăn bằng bột cá, tảo, cỏ biển. Sau một năm, các chủ hộ nuôi rút sạch nước, sử dụng chất thải làm phân bón nông nghiệp. Hiện tại, Sky 8 Shrimp Farm đang nỗ lực nghiên cứu công thức chế tạo thức ăn mới cho tôm có khả năng thay thế bột cá. Trại nuôi này cũng cam kết trước chính quyền địa phương sẽ chịu phạt nặng nếu gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động.

Nuôi tôm tại Sky 8 Shrimp Farm       Nguồn: Nytimes.com

Người tiêu dùng ủng hộ

Theo Eric Cooper, bếp trưởng tại một nhà hàng ở Massachusetts, các khách hàng đều có phản hồi tích cực về sản phẩm tôm nuôi tại địa phương do hương vị tự nhiên, thơm ngon. Eric Cooper cho biết, các nhà hàng tại Mỹ đều muốn sử dụng sản phẩm thủy sản sạch, nuôi tại địa phương. Theo Jimmy Devine, chủ trang trại nuôi tôm tại Stoughton, Massachusetts, nhiều chợ thủy sản bán buôn lớn muốn làm đại diện độc quyền sản phẩm tôm nuôi tại Sky 8 Shrimp Farm.

Tuy nhiên, Jimmy từ chối chạy theo lời lãi, ông chọn cách cung cấp tôm cho các nhà hàng nổi tiếng, và yên tâm sản phẩm của mình sẽ được chế biến trực tiếp bởi những đầu bếp nổi tiếng, có kinh nghiệm về ẩm thực. Đây cũng là cách tạo ấn tượng tốt và chiếm lòng tin của người tiêu dùng.

Theo Barton Seaver, Giám đốc Dự án Thực phẩm sạch và bền vững tại Trung tâm Y tế công cộng, môi trường toàn cầu của Đại học Harvard, các sản phẩm tôm nuôi tại Stoughton, Massachusetts đang thu hút sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng tại Mỹ. Mô hình nuôi tôm của Sky 8 Shrimp Farm được đánh giá cao bởi những đóng góp tích cực cho nền kinh tế, đồng thời mang lại sản phẩm chất lượng tuyệt hảo cho thị trường. James và Jimmy cho biết, thời gian tới sẽ nhân rộng mô hình nuôi tôm sạch tại Mỹ do người tiêu dùng đều yêu thích và ủng hộ sản phẩm này.

>> Năm 2013, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã kiểm nghiệm sản phẩm tôm nuôi tại Sky 8 Shrimp Farm, không thấy có dư chất kháng sinh, hormone hay thuốc trừ sâu. Hoạt động rất hiệu quả, nhưng tổng số người lao động của trại Sky 8 Shrimp Farm chỉ có 4; giá một pound tôm 15 USD, cao gấp đôi tôm nhập khẩu.

 

Đan Linh

NYT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!