Tôm, nghêu chết trên diện rộng: Báo động, không thể chủ quan!

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Ngày 11/5, tại Bến Tre, Bộ NN&PTNT và Sở NN&PTNT Bến Tre phối hợp tổ chức Hội nghị “Đánh giá tình hình dịch bệnh tôm, nghêu và tổ chức triển khai quản lý giám sát, khôi phục sản xuất”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu chủ trì Hội nghị với sự tham dự của đại diện 20 tỉnh ven biển miền Trung, ĐBSCL, các viện, trường đại học, doanh nghiệp sản xuất con giống và người nuôi.

Chưa có kết luận cuối cùng tác nhân gây bệnh tôm chết

Tình hình dịch bệnh thủy sản năm 2011 diễn biến phức tạp, đang ở mức báo động, đặc biệt là hiện tượng tôm và nghêu nuôi bị chết chưa rõ nguyên nhân xảy ra nhiều tại các tỉnh khu vực ĐBSCL trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 4. Theo thống kê của Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, thiệt hại do bệnh đốm trắng gây ra trên tôm chiếm tỷ lệ không đáng kể (423,86 ha tại các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau và TP Hồ Chí Minh) so với diện tích tôm chết chưa rõ nguyên nhân, lên đến 25.195,6 ha.

Hiện tượng tôm chết chưa rõ nguyên nhân đã gây thiệt hại cho cho 7 tỉnh, gồm 3 tỉnh miền Trung là Quảng Nam, Bình Định, Ninh Thuận và 4 tỉnh tại ĐBSCL gồm Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, trong đó thiệt hại nặng nhất là Sóc Trăng. Báo cáo tại Hội nghị, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng Nguyễn Văn Khởi, lặp đi lặp lại nhiều lần để nói lên tính nghiêm trọng của vấn đề: “Sóc Trăng đã có quá trình nuôi tôm sú trên 20 năm, nhưng năm 2011, việc tôm chết đồng loạt, diễn ra cùng thời điểm và trên diện rộng là chưa từng có. Tổng diện tích nuôi tôm của Sóc Trăng là 25.093,55 ha, thiệt hại sau khi thả tôm nuôi 15.414,97 ha, chiếm 61,43%”.

Thiệt hại từ nghêu chết đã lên tới 300 tỷ đồng

Tại tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, tôm bị chết chủ yếu là hình thức nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi tôm – lúa. Tôm bị chết ở Sóc Trăng và Bạc Liêu xảy ra ở tất cả hình thức nuôi nhưng tập trung chủ yếu ở các vùng nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, dù chưa đưa ra kết luận chính thức về tác nhân gây ra tôm chết nhưng ông cũng cho rằng, tôm chết là do vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy ở tôm (gan nhũn, gan nhạt màu, sưng gan…). Mà vi khuẩn thì không chỉ nhiễm trong nguồn nước mà ngay trong đất cũng có. Theo hướng đó, để khắc phục tình trạng này, người nuôi tôm phải rải vôi bột trên nền đất ao nuôi và khử Formalin (Formol) trong nguồn nước trước khi thả tôm.

Nhiều đại biểu ở ĐBSCL nêu ý kiến, thời vụ thả nuôi tôm sú chỉ còn khoảng nửa tháng nữa là hết, trong khi cơ quan chức năng chưa đưa ra kết luận cuối cùng là tôm bị hoại tử gan tụy do vi khuẩn. Do vậy, để nhanh chóng vượt qua cơn sốc, bên cạnh nuôi tôm sú, để bù đắp sản lượng bị sụt giảm, người nuôi có thể nuôi tôm thẻ chân trắng.


Người dân ĐBSCL điêu đứng vì 10.000 tấn nghêu chết hàng loạt         Ảnh: Phan Thanh Cường

Tạm ngừng xuất nghêu giống ra các tỉnh phía Bắc

Từ cuối năm 2010 đến tháng 4/2011, hiện tượng nghêu chết xuất hiện ở huyện Cần Giờ (TP.HCM) sau đó đến Gò Công Đông (Tiền Giang) rồi đến các huyện Bình Đại, Ba Tri (Bến Tre) và huyện Ngọc Hiển (Cà Mau). Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết:“ Nghêu chết xảy ra tại HTX Thủy sản Rạng Đông (xã Thới Thuận, huyện Bình Đại) và HTX Thủy sản Bảo Thuận, Tân Thủy (huyện Ba Tri). Mức độ thiệt hại năm nay cao hơn năm 2010. Tổng sản lượng thiệt hại ước 10.000 tấn, trong đó nghêu giống kích cỡ 300-500 con/kg là 7.000 tấn; nghêu thịt kích cỡ 80-100 con/kg là 3.000 tấn. Tổng giá trị thiệt hại ước 300 tỷ đồng. Các xã viên HTX thủy sản nói trên đăm đắm nỗi lo trước hiện tượng nghêu chết…”.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang Trần Công Minh băn khoăn: “Đến nay, diện tích nuôi nghêu ở xã Tân Thành thiệt hại trên 360 ha, tỷ lệ chết từ 15-90%, nhưng phía hữu của sông Cửa Tiểu, bãi nghêu có diện tích khoảng 200 ha thì nghêu không chết”.

Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Cà Mau Tiết Tiến Dũng cho biết: “Trên địa bàn xã Đất Mũi (Ngọc Hiển) có 16 HTX nuôi nghêu với 431 ha. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra hai đợt nghêu chết. Tổng thiệt hại nghêu chết trong hai đợt là trên 233 tấn, trị giá khoảng 19,3 tỷ đồng”.

Theo kết quả phân tích tác nhân gây bệnh của Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Minh Hải – Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II đối với các mẫu nghêu thu được tại Bến Tre và Tiền Giang cho thấy, 100% mẫu thu được đều có sự hiện diện của ký sinh trùng đơn bào nội ký sinh Perkinsus olseni, nghêu chết do tác nhân này trong điều kiện nhiệt độ nước và độ mặn cao. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố tổng hợp khác như: Tác động của biến đổi khí hậu, thiếu dinh dưỡng vào mùa khô làm cho nghêu yếu, tạo điều kiện mầm bệnh ký sinh phát triển gây nghêu chết… Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo cho rằng, sự hiện diện của Perkinsus olseni đã có tại các bãi nuôi nghêu từ nhiều năm qua, giờ đây, khi có điều kiện thuận lợi, nó bộc phát mạnh.

Những “đơn thuốc” cần thiết

Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng: Về khách quan, ngoài vấn đề tác động của biến đổi khí hậu, mầm bệnh mới xuất hiện trên tôm và nghêu, bùng phát nhanh. Về chủ quan, người nuôi chưa tuân thủ lịch thời vụ, an toàn vệ sinh khi nuôi; tôm giống chất lượng kém, kiểm dịch chưa kiểm soát hết; giống tôm sú và tôm thẻ chân trắng nhập về từ Hawaii, Singapore, Thái Lan, Indonesia… đã phát hiện có nhiễm bệnh; việc quản lý xả thải, hóa chất, chế phẩm sinh học còn hời hợt nên dịch bệnh lây lan nhanh. Trong khi dịch bệnh như heo tai xanh, lở mồm long móng trên gia súc được triển khai khẩn trương, bài bản thì dịch bệnh trên thủy sản chưa được các tỉnh chú trọng. Sắp tới, Cục Thú y cần hướng dẫn các địa phương công bố dịch bệnh trong nuôi thủy sản. Khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thủy sản tại ĐBSCL, hệ thống gắn bó từ Trung ương đến các tỉnh có vùng nuôi…

Về nghêu, tạm thời ngừng nhập nghêu giống từ các tỉnh ĐBSCL ra các tỉnh miền Bắc hiện nghêu nuôi đang phát triển tốt. Các bãi nuôi nghêu đã phát hiện có ký sinh Perkinsus olseni cần khoanh vùng, làm vệ sinh bãi nuôi chứ không thể nuôi liên tục năm này sang khác như hiện nay.

>> Nguyên nhân gây tôm chết theo nhận định của Cục Thú y:

– Môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm vì khi dịch bệnh xảy ra các hộ nuôi không báo cho cơ quan chức năng mà tự ý xả thải ra môi trường không qua xử lý, làm lây lan dịch bệnh.

– Chất lượng tôm giống nuôi kém, chưa qua kiểm dịch.

– Do giá tôm thương phẩm tăng cao, vì lợi nhuận nên vẫn còn một số người nuôi không tuân thủ lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành đã thả tôm trái vụ, khi bệnh đã lây lan và ảnh hưởng đến những hộ thả nuôi vào chính vụ.

Theo kết quả phân tích mẫu bệnh ban đầu thì nguyên nhân gây ra chết tôm do vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy.

 

PHAN LỮ HOÀNG HÀ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!