Tôm nuôi bị thiếu ôxy sau mưa thì cần xử lý như thế nào?

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Tôm nuôi bị thiếu ôxy sau mưa thì cần xử lý như thế nào?

(Nguyễn Sĩ Hà, xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An)

Trả lời:

Nguyên nhân khiến ôxy trong ao nuôi bị thiếu là do khi lượng mưa lớn xảy ra, thường dẫn đến tình trạng phân tầng nước ao, nghĩa là ôxy không được cung cấp đến tầng đáy, gây ra tình trạng thiếu ôxy nghiêm trọng ở tầng đáy, đặc biệt là vào ban đêm. Điều này dẫn đến tình trạng tôm không đủ ôxy để thở, có thể gây nên hiện tượng tôm chết vào buổi sáng hôm sau. Ngoài ra, việc thiếu ánh sáng mặt trời sau mưa lớn làm chậm quá trình quang hợp của thực vật phù du, dẫn đến giảm nồng độ ôxy hòa tan. Điều này, kết hợp với nhu cầu ôxy sinh học tăng lên do sự hoạt động của vi khuẩn dị dưỡng, trong trường hợp không có bổ sung sục khí, có thể gây ra sự suy giảm nhanh chóng hàm lượng ôxy hòa tan xuống mức nguy hiểm (≤ 3 ppm) trong vòng chưa đầy nửa giờ.

Để xử lý tình trạng này, cần cung cấp thêm ôxy tức thời cho ao nuôi tôm như chạy quạt, tăng thêm quạt, đánh ôxy viên, giảm khí độc (như yucca xử lý NH3, zeolite), thay nước mới… 

Các ngày tiếp theo nên tiến hành giảm 50 – 70% lượng thức ăn tùy sức khỏe tôm hoặc ngừng cho ăn, thay nước, chạy quạt nước nhiều hơn. Sử dụng men vi sinh để phân hủy mùn bã hữu cơ dưới đáy ao, xi phông đáy ao hay sang tôm thưa ra và bổ sung Vitamin C để tôm khỏe, phục hồi lại.

Đối với ao tôm nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, tôm lúa… thì thay nước mới, thu tỉa nếu tôm lớn, đánh zeolite bột (xử lý khí độc), dùng ôxy viên xử lý tức thời (theo liều hướng dẫn trên bao bì) hoặc dùng máy, xuồng chạy tạo sóng…

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!