Tôm – rừng sinh thái: Hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ rừng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hình thức sản xuất tôm – rừng kết hợp là mô hình nuôi tự nhiên sinh thái không sử dụng thuốc và hóa chất, không phát sinh chi phí sản xuất, thu lời cao nhất đến 80 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, mô hình còn đảm bảo lợi ích hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ rừng, phát huy khả năng giữ đất chống sạt lở, làm tăng khả năng hấp thụ các khí nhà kính, bảo vệ và duy trì đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái.

Với hơn 80.000 ha, tỉnh Cà Mau có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất cả nước, trong đó có khoảng 27.577 ha nuôi tôm – rừng. Có khoảng 80 cửa sông lớn, nhỏ thông ra biển, hình thành vùng bãi triều rộng lớn; tạo điều kiện thuận lợi trong việc trao đổi nước cho các vùng ven biển, nhất là vùng ngập mặn bao phủ xung quanh. Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển nuôi tôm – rừng. 

Được sự hỗ trợ của Dự án Chống chịu biến đổi khí hậu và sinh kế bền vững ĐBSCL (MD-ICRSL), tỉnh Cà Mau đang triển khai mô hình nuôi tôm – rừng sinh thái. Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, cho biết, canh tác xen ghép tôm trong rừng ngập mặn là cơ chế tốt đảm bảo lợi ích hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ rừng, được đánh giá là giải pháp có hiệu quả nhất giúp khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng tại các tỉnh ven biển. Theo tính toán của chuyên gia, với loại hình nuôi tôm trong rừng ngập mặn lượng phát thải giảm 7,3 triệu tấn CO2e/ha/năm phù hợp với mục tiêu tăng trưởng carbon xanh và tăng trưởng xanh. Thực hiện nuôi tôm dưới tán rừng chiếm diện tích 30 – 40% diện tích mặt nước và phải đảm bảo ít nhất 50 – 60% tỷ lệ rừng. Điều này góp phần làm tăng tỷ lệ rừng, phát huy khả năng giữ đất chống sạt lở, tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu. Ngoài ra, người nuôi tôm còn được chi trả về dịch vụ rừng và được hưởng lợi từ khai thác rừng; từ đó khuyến khích cộng đồng cùng tham gia bảo vệ rừng.

Năm 2022, từ nguồn kinh phí tài trợ của Dự án “Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cải thiện sinh kế cho người dân khu vực bắc Thạnh Phú, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu”, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã triển khai hoạt động mô hình trình diễn nuôi tôm – rừng sinh thái tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú với quy mô 100 ha, có 11 hộ dân tham gia, đạt kết quả tốt mang tính khả thi cao.

Sau 5 tháng theo dõi, hướng dẫn hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên, kết quả đa số các hộ nuôi đạt các chỉ tiêu so với dự kiến: Cỡ tôm thu hoạch bình quân 30 con/kg; năng suất bình quân 250 kg/ha; mô hình đạt hiệu quả kinh tế khá cao, bình quân đạt 29 triệu đồng/ha, tỷ suất lợi nhuận 137%. Nổi bật lớn nhất của mô hình là việc không sử dụng thuốc kháng sinh, nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, thân thiện môi trường. Đây là mô hình mang tính ổn định; bền vững cho người dân trong vùng chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu.

Qua quá trình thực hiện các nội dung của hoạt động sinh kế “Phát triển sinh kế nuôi tôm rừng sinh thái” đa số hộ nuôi tôm rừng trên địa bàn huyện Thạnh Phú đã biết được lợi ích để áp dụng và chuyển đổi quy trình kỹ thuật canh tác tôm rừng. Ngoài việc chú trọng áp dụng các kỹ thuật như cải tạo ao, chuẩn bị nước tốt, cách chọn giống, thả giống, quản lý chăm sóc… thì điểm nhấn tạo thành công của mô hình là áp dụng cải tiến quy trình kỹ thuật nuôi vào thực tiễn sản xuất. Theo đó, các hộ tham gia mô hình đã: Sử dụng giống cỡ lớn, đã qua giai đoạn ương; bố trí hệ thống ao ương phù hợp với từng vuông nuôi, thời gian ương từ 20 – 30 ngày tùy theo điều kiện của từng hộ nuôi; ao ương được đào bằng cơ giới hoặc sử dụng lưới bao một phần vuông nuôi và nên bố trí hướng trên gió; chọn giống có uy tín trên thị trường, giống qua kiểm dịch, xét nghiệm không nhiễm các mầm bệnh nguy hiểm; thả vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát; khi chuyển tôm nuôi từ ao ương qua vuông nuôi, có sự trao đổi nguồn nước giữa ao ương và vuông nuôi tránh tôm bị sốc; thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường như: pH, độ mặn, kiềm…, đặc biệt kiểm tra trước khi thả giống, trước khi sang tôm từ ao ương qua vuông nuôi; có bổ sung thức ăn công nghiệp cho tôm trong quá trình ương, nuôi; ghi chép nhật ký theo dõi.

>> Theo báo cáo tổng kết, Dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phòng, chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt và phục vụ nuôi tôm - rừng ven biển tỉnh Cà Mau đã triển khai được trên diện tích 10.638 ha với 3.210 hộ tham gia, tạo ra giá trị khoảng 249 tỷ đồng/vụ.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!