(Thủy sản Việt Nam) – Sau một thời gian dài tranh luận, mới đây, Bộ NN&PTNT đã đạt được thỏa thuận với Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đưa tôm thẻ chân trắng (TTCT) và hàu Thái Bình Dương ra khỏi mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Như vậy, TTCT đã gần như được “gỡ rối”. Tuy nhiên, để phát triển TTCT bền vững, còn nhiều vấn đề cần làm!
Danh đã chính…
Dù chưa chính thức đưa TTCT ra khỏi danh mục cảnh báo, nhưng với động thái tích cực từ Bộ TN&MT vừa qua thì cũng coi như TTCT lại tiếp tục có cơ hội khẳng định vai trò là một trong những đối tượng chủ lực của ngành thủy sản. Mặt khác, theo các chuyên gia ngành thủy sản, việc xếp TTCT vào danh mục loài có nguy cơ xâm hại là vấn đề phức tạp liên quan tới khoa học, kinh tế, khoa học, kỹ thuật và bảo vệ môi trường nên việc xem xét cấm hay không cần phải đưa ra thông tin khoa học với luận chứng cơ sở rõ ràng và thuyết phục.
Còn ông Nguyễn Tiến Thể, Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) thì cho rằng, việc đưa TTCT vào trong danh sách sinh vật ngoại lai sẽ ảnh hưởng đến sản xuất thủy sản và sinh kế của nhiều người.
Ông Đinh Văn Thu, nông dân nuôi tôm xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên) cho biết, ưu điểm của TTCT là tính đề kháng cao, dễ thích nghi và dễ nuôi hơn tôm sú nên dần dần bà con nuôi tôm xã Hòa Hiệp Nam đã chuyển hết sang nuôi TTCT. 3 năm nay, 100% diện tích nuôi tôm ở Hòa Hiệp Nam nói riêng và vùng hạ lưu sông Thạch Bàn nói chung đều nuôi TTCT và trở thành nguồn thu nhập chính của nông dân nơi đây.
Trong tình hình hiện nay, “cởi trói” cho tôm thẻ chân trắng là cần thiết Ảnh: Trần Út
Bên cạnh đó, TTCT cũng đang là đối tượng nuôi chủ đạo của ngành thủy sản Việt Nam. Sản lượng TTCT mỗi năm đạt hơn 100.000 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng tôm cả nước. Hơn nữa, TTCT lại có ưu điểm lớn vì khả năng chịu lạnh và kháng bệnh tốt hơn tôm sú. Mặt khác, chúng được quản lý và kiểm soát chặt chẽ ngăn ngừa dịch bệnh tại các cửa khẩu.
… “Ngôn” cần phải thuận
Mọi chứng cứ đã ủng hộ TTCT, tuy nhiên, để phát triển bền vững nghề nuôi này, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản khuyến cáo, TTCT không phải loài thay thế tôm sú nên chỉ khuyến khích phát triển nuôi trong vùng đã được quy hoạch. Tổng cục Thủy sản sẽ khuyến nghị với Bộ NN&PTNT cho phát triển nuôi TTCT nhưng phải nuôi thâm canh, có điều kiện theo dõi, quản lý chặt chẽ.
Sở dĩ Tổng cục Thủy sản đưa ra điều kiện trên vì bên cạnh hiệu quả kinh tế nhìn thấy rõ do TTCT mang lại, như năng suất cao, chi phí đầu tư thấp, thời gian nuôi ngắn…, đã khiến việc phát triển TTCT nhiều nơi quá ồ ạt, phá vỡ quy hoạch, để lại nhiều hệ lụy.
Theo số liệu thống kê từ Sở NN&PTNT các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, diện tích ao hồ nuôi TTCT ở vùng cát ven biển đã vượt con số hơn 1.000 ha và đang đối mặt với nhiều loại dịch bệnh. Tuy nhiên, người dân vẫn ồ ạt chặt phá rừng phòng hộ, đào ao mở rộng diện tích nuôi TTCT.
Tại các tỉnh Bình Định, Bến Tre, người dân đang có xu hướng chạy theo TTCT, phá vỡ quy hoạch của địa phương. Theo ông Võ Văn Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại – Bến Tre: Quy hoạch nuôi TTCT đến năm 2015 là 800 ha và năm 2020 là 1.000 ha, nhưng vụ nuôi năm 2011, diện tích nuôi TTCT đã hơn 1.000 ha.
Sự tăng mạnh về diện tích đã vượt qúa khả năng đáp ứng của hạ tầng cơ sở, trong khi đó ý thức của người dân vẫn là “mạnh ai nấy làm”. Tại huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi), diện tích nuôi TTCT hiện đã tăng lên 110 ha, nhưng hệ thống xử lý nước thải lại không mấy được cải thiện. Nhiều hộ nuôi tôm đã xả nước thải vào rừng phi lao cách hồ nuôi chỉ hơn chục mét, khiến rừng phi lao đang chết dần. Còn các hồ nuôi tôm nằm tiếp giáp biển, người nuôi xả thải trực tiếp ra biển. Thậm chí, một số hộ còn xả ra khu vực xung quanh, khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, do sự hấp dẫn về lợi nhuận nên nhiều người nuôi bất chấp khuyến cáo, không chú trọng đến quy trình nuôi và các yếu tố môi trường. Nhiều hộ nuôi đã thả nuôi với mật độ rất dày, từ 130-150 con/m2, cá biệt đến 300 con/m2 (trong khi mật độ khuyến cáo là từ 60-80 con/m2). Tất cả đã khiến cho TTCT bị “thất bát” không đáng có.
Do vậy, nuôi TTCT theo quy hoạch và hướng dẫn chỉ đạo của ngành và địa phương là nhằm đảm bảo độ an toàn và hiệu quả thực sự. Và điều quan trọng là tránh được những hệ lụy, đặc biệt là những “cảnh báo” tương tự như của Bộ Tài nguyên và Môi trường thời gian vừa qua.
>> Theo ông Phạm Anh Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, trong cuộc họp bàn mới đây nhất, Bộ NN&PTNT đã tới Bộ TN&MT, gửi hồ sơ về TTCT, gồm các chứng cứ về kết quả khảo nghiệm nuôi TTCT từ những mô hình thử nghiệm nuôi cách đây 10 năm cũng như các chứng cứ khẳng định việc TTCT không gây hại cho môi trường và các loài bản địa.
Hồng Hà