Tôm thẻ chân trắng

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Chục năm trước, tôm thẻ chân trắng (TTCT) được nhập vào nuôi ở nước ta. Sau thời gian thử nghiệm thành công thì Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa TTCT vào danh mục ngoại lai có nguy cơ xâm hại, Thông tư 22 có hiệu lực từ ngày 15/8/2011.

TTCT lại đang đem đến nguồi lợi lớn. Nhiều nơi nuôi được cỡ tôm lớn 25-30 con/kg, năng suất 10-12 tấn/ha/vụ. Ưu điểm của TTCT là lớn nhanh nên một vụ nuôi chỉ khoảng 2,5 tháng. Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho biết, xuất khẩu TTCT năm 2010 hơn 400 triệu USD, năm nay ước gần 1 tỷ USD và chiếm khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu tôm.

Năm 2010, diện tích nuôi TTCT của cả nước là 25.300 ha, trong đó các tỉnh miền Trung và miền Bắc 17.960 ha, chiếm hơn 72% tổng diện tích, còn lại ở ĐBSCL. TTCT đang phát triển tốt ở nhiều địa phương. Tại ĐBSCL, đến giữa năm 2011, toàn vùng đã thả nuôi 7.815 ha, tăng gần 3.000 ha so với cùng kỳ năm trước. Kế hoạch năm 2011, ĐBSCL thả nuôi khoảng 11.800 ha.

E ngại lớn nhất đối với TTCT từ khi vào nước ta là có thể lan truyền bệnh Taura. Tuy nhiên, nhiều năm qua chưa có dấu hiệu nào cho thấy TTCT nhiều dịch bệnh hơn tôm sú, thậm chí một số nơi còn ít bệnh hơn. Ông Võ Văn Mỹ, Phó chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), nơi có diện tích nuôi tôm công nghiệp lớn của ĐBSCL, cho biết tỷ lệ dịch bệnh ở TTCT thấp hơn tôm sú.

Còn nguy cơ đào thoát ra môi trường tự nhiên, gây hại cho đa dạnh sinh học, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2 Nguyễn Văn Trọng nói “gần như chưa có”. Theo ông Trọng, để gây hại cho đa dạng sinh học thì phải hình thành được quần đàn trong tự nhiên, khả năng rất thấp với TTCT vì khó sống sót trong tự nhiên, chu kỳ sống lại chỉ có một năm.

Cuối cùng, cho đến nay, Bộ TN&MT cũng chưa có nghiên cứu cụ thể hoặc bằng chứng về mối nguy cơ của TTCT đối với đa dạng sinh học. Hiển nhiên, TTCT là thủy sản nuôi có điều kiện nên phải kiểm soát chặt chẽ từ quy hoạch đến giống, kỹ thuật, dịch bệnh song cũng giống như các loài nuôi có điều kiện khác, chẳng hạn cá tra.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, Bộ NN&PTNT đã hoàn chỉnh một văn bản giải trình rõ những vấn đề còn khúc mắc. Nếu Bộ TN&MT chấp thuận, sẽ rút TTCT (và cả hàu Thái Bình Dương) ra khỏi danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Quá trình quyết định tiến hành ở cấp bộ trưởng.

Nhưng nếu Bộ TN&MT không chấp nhận giải trình của Bộ NN&PTNT, TTCT sẽ bị cấm nuôi. Những người nuôi TTCT sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, khó khăn lớn hơn lại ở những doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu, bởi sẽ phải nhập TTCT nguyên liệu. Và như thế, thêm một “giấy phép con” phải xin với Bộ TN&MT.   

            Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!