Sau nhiều năm nấp bóng tôm sú trên thị trường XK, đến hết tháng 9/2013, tôm thẻ chân trắng đã lần đầu tiên vượt qua tôm sú về giá trị XK, và đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của cả ngành thủy sản.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), ước tính tổng giá trị XK tôm 9 tháng đầu năm nay đạt trên 2 tỷ USD, trong đó tôm thẻ chân trắng đứng vị trí hàng đầu với 952 triệu USD, tiếp đó là tôm sú 928 triệu USD. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, khẳng định, đây là lần đầu tiên XK tôm thẻ chân trắng đã vượt qua tôm sú.
Tôm thẻ qua mặt tôm sú, trước hết là nhờ diện tích và sản lượng tôm thẻ đang tăng nhanh. Ông Bùi Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), cho biết, trước đây, nông dân ở đây nuôi chủ yếu là tôm sú. Nhưng mấy năm qua, do dịch bệnh nhiều, các hộ đã lần lượt chuyển sang nuôi tôm thẻ. Đến nay, diện tích nuôi tôm sú của các thành viên Hiệp hội tôm Mỹ Thanh chỉ còn chừng 10%, còn lại là tôm thẻ chân trắng.
Ông Như Văn Cẩn, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cũng cho hay, trong năm nay, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng cả nước đã tăng lên khá nhiều. Sở dĩ diện tích tôm thẻ chân trắng tăng mạnh là vì trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn đe dọa nghề nuôi tôm, con tôm thẻ chân trắng sẽ có nhiều lợi thế hơn tôm sú vì thời gian nuôi ngắn (chỉ 2 tháng rưỡi), do đó nông dân vừa có thể giảm được nguy cơ rủi ro bởi dịch bệnh, vừa có thể quay vòng vụ nhanh chóng. Năng suất tôm thẻ lại cao hơn nhiều so với tôm sú.
Chính nhờ sản lượng tăng mạnh, nên lượng tôm thẻ XK hàng tháng đều có mức tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Chẳng hạn, trong tháng 8, giá trị XK tôm thẻ đạt 189 triệu USD, tăng tới 194,1% so với tháng 8/2012. Trong tháng 9 vừa rồi, XK tôm thẻ chân trắng ước đạt 154 triệu USD, tăng 141,2% so với cùng kỳ năm ngoái… Trong khi đó, tuy giá trị XK tôm sú cũng tăng so với cùng kỳ nhưng mức tăng vẫn thua xa so với tôm thẻ, thậm chí có tháng còn giảm nhẹ.
Bởi sự tăng trưởng quá mạnh mẽ của con tôm thẻ chân trắng mà XK tôm trong 9 tháng qua vẫn giữ được mức tăng trưởng rất tốt (24,3%). Trong khi đó, các sản phẩm thủy sản chủ lực khác đều tăng trưởng âm: Cá tra giảm 3,5%, cá ngừ giảm 7,2%, cá các loại khác giảm 5,8%, nhuyễn thể giảm 16,4% và cua ghẹ giảm 15,8%…
Ông Trương Đình Hòe nhận định, trong mấy tháng cuối năm nay, XK tôm nói chung sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên, nhất là khi Việt Nam vừa tránh được thuế chống trợ cấp khi XK tôm sang thị trường Mỹ. Giá trị XK tôm thẻ cả năm nay chắc chắn sẽ lần đầu tiên vượt qua mốc 1 tỷ USD, và đứng đầu trong tổng giá trị XK tôm cả năm (dự tính khoảng 2,2 tỷ USD). Như vậy, đây sẽ là năm “lịch sử” của con tôm thẻ chân trắng, khi lần đầu tiên vươn lên trở thành sản phẩm số 1 trong ngành hàng tôm Việt Nam.