Tôm Việt hội nhập toàn cầu

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Được xem là ngành hàng xuất khẩu hàng tỷ USD mỗi năm, việc xây dựng và đăng ký bảo hộ thương hiệu cho con tôm cần được quan tâm ở cả cấp độ vĩ mô lẫn vi mô, từ đó nâng tầm giá trị tôm Việt trên thị trường thế giới. Phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã có buổi chia sẻ với ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta về ý nghĩa và tầm quan trọng của thương hiệu tôm Việt trong xu thế hội nhập toàn cầu.

PV: Theo ông, thương hiệu có tầm quan trọng thế nào đối với doanh nghiệp nhất là với doanh nghiệp lĩnh vực thủy sản, một ngành hàng chủ lực của nền kinh tế nông nghiệp?

Ông Hồ Quốc Lực: Người tiêu dùng không có nhiều thời gian lựa chọn khi mua sắm, nên để yên tâm, cứ gặp mặt hàng quen biết có thương hiệu, tiếng tăm mà họ cần thì bỏ vào giỏ hàng, không phải kiểm tra, so sánh… Do vậy, sản phẩm không có thương hiệu sẽ gặp khó trong tiêu thụ, lượng tiêu thụ khó tăng và dĩ nhiên giá cả không cao được. Xây dựng thương hiệu từ lâu trở thành một việc không thể không làm, đối với các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển trên thương trường, dù trong nước hay ngoài nước. Với ngoài nước, cạnh tranh mang tính quốc tế thì việc xây dựng thương hiệu càng có ý nghĩa sống còn cao hơn.

PV: Sau hơn 40 năm tham gia thị trường thế giới, một số doanh nghiệp bắt đầu quan tâm và ý thức hơn đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tôm của mình, nhưng vẫn có những giới hạn nhất định. Theo ông vấn đề tồn tại đang nằm ở đâu?

Ông Hồ Quốc Lực: Xây dựng thương hiệu không chỉ cần ý chí, quyết tâm mà còn cần nguồn lực tài chính khá mạnh. Trong khi đó, dù ta có hơn trăm doanh nghiệp tôm nhưng số doanh nghiệp có doanh số trên trăm triệu USD không nhiều. Tuy nhiên, cũng có không ít doanh nghiệp ý thức trong việc xây dựng uy tín thương hiệu cho mình, dù thực tế cũng có những giới hạn. Nên có nhiều sản phẩm tốt, được tín nhiệm tiêu thụ nhiều, nhưng trên bao bì vẫn là thương hiệu của hệ thống phân phối hoặc nhà nhập khẩu; còn mã hiệu doanh nghiệp và tên Việt Nam chỉ là dòng chữ khiêm tốn trên bao bì. Người tiêu dùng làm sao biết hàng của doanh nghiệp nào, chỉ có hệ thống phân phối hoặc nhà nhập khẩu biết.

Xây dựng thương hiệu tôm Việt trên trường quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp cần có chiến lược dài hơi. Ảnh: Phan Thanh Cường

PV: Vậy để cải thiện vấn đề này, doanh nghiệp cần phải làm gì, thưa ông?

Ông Hồ Quốc Lực: Xây dựng thương hiệu là việc vô cùng cần thiết, nhằm nâng cao sức cạnh tranh, thu hút khách hàng, mở rộng hoạt động, thu hút nhân sự tốt cho doanh nghiệp…; nói chung là nâng tầm sản phẩm, qua đó sẽ phát triển kinh doanh tốt hơn, nâng tầm doanh nghiệp cao hơn. Tuy nhiên, không phải có doanh nghiệp là phải có thương hiệu. Phải “liệu cơm gắp mắm”, biết mình biết bạn mới thành công. Chỉ riêng việc xác định xây dựng thương hiệu lúc nào, lộ trình ra sao để tránh thất bại là một công việc nghiêm túc, khó khăn và cũng là một nghệ thuật mang tính trường kỳ! Nói một cách khác, xây dựng thương hiệu tôm Việt trên trường quốc tế là việc làm hết sức khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì, tranh thủ thời cơ của từng lãnh đạo doanh nghiệp và đặc biệt là phải biết giữ chữ tín trong kinh doanh. Để tăng sức thuyết phục khách hàng, để thương hiệu được ổn định và bền vững, đòi hỏi doanh nghiệp tôm phải có sự chuẩn bị dài hơi, như phải có vùng nuôi tầm cỡ (do doanh nghiệp tự nuôi hay liên kết các trang trại, hộ nuôi) đạt chuẩn chất lượng nuôi có xác nhận. Tại doanh nghiệp cũng phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, phải tuân thủ đạo đức kinh doanh, phải thực thi trách nhiệm xã hội, phải quan tâm xây dựng, thực hành bộ quy chuẩn phát triển bền vững… Tất cả phải đồng bộ và có biểu hiện rõ nét ra bên ngoài kết quả các việc đã nỗ lực thực hiện, nhằm từng bước khẳng định tính trội sản phẩm như: an toàn, bổ dưỡng, truy xuất, bền vững là trung thực; từ đó nâng cao sức thuyết phục khách hàng, người tiêu dùng và nâng tầm thương hiệu đang gầy dựng.

PV: Ông vừa nhắc đến chữ “Tín” trong kinh doanh, vậy điều này có ý nghĩa như thế nào trong xây dựng thương hiệu?

Ông Hồ Quốc Lực: Theo tôi, chữ “Tín” trong kinh doanh là điều mà doanh nghiệp phải luôn tâm niệm và thực thi tuyệt đối, bởi đây là cốt lõi trong xây dựng thương hiệu. Chỉ cần làm được điều cốt lõi là quá tốt, trong hoàn cảnh chúng ta đang có sản phẩm chất lượng, vì khi đó ta chỉ còn thiếu phần vỏ bên ngoài là chưa có logo, nhãn hiệu và kiểu dáng bao bì riêng mà thôi. Xu thế là không thể cưỡng, dù biết còn nhiều hạn chế, nhưng nhìn từ xu thế các doanh nghiệp tôm Việt luôn chuẩn bị cho mình hướng đi lâu dài – hết sức chú tâm xây dựng uy tín cho doanh nghiệp mình trên thương trường theo hoàn cảnh, khả năng của mình. Song song đó coi trọng việc xây dựng sứ mạng, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Những nội dung này và việc xây dựng thương hiệu có tương quan mật thiết cũng như bổ trợ lẫn nhau. 

PV: Trở lại với câu chuyện xây dựng thương hiệu tôm Việt là nên xây dựng thương hiệu tôm quy mô quốc gia trước, hay xây dựng thương hiệu tôm ở từng doanh nghiệp tôm trước. Ý kiến cá nhân ông về vấn đề này thế nào?

Ông Hồ Quốc Lực: Việc xây dựng thương hiệu tôm quy mô quốc gia và xây dựng thương hiệu tôm ở từng doanh nghiệp, theo tôi là có mối quan hệ hữu cơ, hỗ tương lẫn nhau, nhưng rất khó để kết luận là nên làm cái nào trước, cái nào sau. Còn về lý thuyết mà nói, nếu chúng ta có nhiều doanh nghiệp xây dựng thương hiệu thành công, thì bóng dáng thương hiệu quốc gia tôm Việt cũng sẽ trở nên rõ nét hơn. Tuy nhiên, nếu không có đủ tôm sạch thì doanh nghiệp lấy nền tảng nào xây dựng thương hiệu? Chỉ câu hỏi này nói lên tầm quan trọng hàng đầu của các chương trình vĩ mô. Ở tầm vĩ mô phải ý thức, khởi động trước, làm cơ sở hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho mình. Các chính sách, thể chế, quy định… từ vĩ mô hỗ trợ cho các doanh nghiệp tôm phải thiết thực và thật sự được triển khai một cách hiệu quả. Đây sẽ là động lực thúc đẩy doanh nghiệp mạnh tay xây dựng thương hiệu. Khi đa phần doanh nghiệp đã xây dựng tốt thương hiệu cho mình, là họ đã tạo sự cộng hưởng hình thành thương hiệu mang tầm quốc gia.

Tuy nhiên, ở tầm vĩ mô cũng có thể có cách quảng bá hình ảnh tôm Việt, nhưng rõ ràng nếu không có sự chuyển động đáng kể từ các doanh nghiệp, thì chương trình xây dựng thương hiệu cấp quốc gia khó thành công. Cho nên, cần có sự đồng bộ phối hợp cấp vĩ mô và các doanh nghiệp. Cấp vĩ mô tạo những hành lang thuận lợi và khuyến khích các doanh nghiệp quyết tâm xây dựng thương hiệu cho mình.

Trân trọng cảm ơn ông!

Xuân Trường

Thực hiện

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!