“Việt Nam có tiềm năng trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu hàng đầu trong ngành công nghiệp tôm toàn cầu nếu như giải quyết được những thách thức liên quan về dịch bệnh; cách thức vận chuyển để thu mua những sản phẩm tươi sống đến các nhà máy chế biến…” – đó là những chia sẻ của ông Steve Arce, Giám đốc Dịch vụ Kỹ thuật của Kona Bay Marine Resources (KBMR) khi bàn về tiềm năng và thách thức của con tôm Việt Nam.
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng và thách thức của nghề nuôi tôm ở Việt Nam?
Tôi nghĩ, Việt Nam có tiềm năng trở thành quốc gia hàng đầu trong ngành công nghiệp tôm toàn cầu, nhưng cũng có nhiều thách thức liên quan đến quản lý môi trường nhằm ngăn ngừa dịch bệnh ở tôm; cũng như một số vấn đề về vận chuyển để thu mua những sản phẩm tươi sống đến các nhà máy chế biến do địa hình độc đáo ở Việt Nam, đặc biệt là ở vùng ĐBSCL. Cả hai thách thức này đều có thể khắc phục được bằng cách sử dụng con giống sạch, khỏe mạnh, ứng dụng những kỹ thuật quản lý thích hợp hỗ trợ an toàn sinh học và đầu tư tài chính cần thiết để thiết lập và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng.
Steve Arce (đứng thứ 3 từ trái qua) cùng các đồng nghiệp
Còn về xuất khẩu tôm Việt Nam thì thế nào, thưa ông?
Tôi được biết rằng, năm 2014, sản lượng xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng mạnh; tuy nhiên trong năm 2015, xuất khẩu tôm lại giảm đáng kể do bệnh dịch trên tôm và giá bán tôm giảm. Ngoài ra, còn có những yếu tố khác ảnh hưởng đến sự sụt giảm này như: Biến động thị trường tiền tệ, sức cạnh tranh mạnh từ các nước xuất khẩu tôm khác trên thế giới như Ấn Độ. Tuy nhiên, theo tôi, Việt Nam đã sẵn sàng để trở thành quốc gia hàng đầu trong xuất khẩu tôm nếu khắc phục những thách thức mà cả ngành công nghiệp tôm toàn cầu đang đối mặt, đó là quản lý và giảm dịch bệnh ở tôm.
Theo ông, trên thị trường quốc tế, con tôm Việt Nam được đánh giá như thế nào về chất lượng?
Tôi tin tưởng rằng, tôm Việt Nam được đánh giá là có chất lượng hàng đầu. Gần đây tôi có đọc được thông tin Việt Nam là nhà cung cấp tôm số 1 ở thị trường Mỹ và Nhật Bản trong vài năm trở lại đây. Cả hai thị trường này đều được biết đến là những thị trường khó tính trong yêu cầu chất lượng thực phẩm, đặc biệt là thủy hải sản tươi sống. Điều này chứng tỏ thị trường quốc tế đánh giá rất cao mặt hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam.
Việt Nam có tiềm năng trở thành quốc gia hàng đầu trong xuất khẩu tôm – Ảnh: An Đăng
Mặc dù là một trong những quốc gia xuất khẩu tôm lớn, nhưng Việt Nam lại gần như phải nhập khẩu gần 100% nguồn giống tôm bố mẹ. Ông nghĩ gì về điều này?
Đây là một câu hỏi rất hay, đòi hỏi một số hiểu biết về các loài tôm khác nhau cũng như sự phát triển của các tác nhân gây bệnh tự do trên tôm. Đầu tiên, phải nhấn mạnh là đa số tôm bố mẹ nhập khẩu thuộc loài tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương (L. vannamei) – vốn không phải là loài có nguồn gốc ở Việt Nam. Trong quá trình chọn lọc và lai tạo, các giống sạch bệnh ở tôm thẻ chân trắng đã phát triển như một phản ứng với các loại bệnh dịch đã có lịch sử gây bệnh cho ngành công nghiệp tôm khắp thế giới. Bắt đầu một chu kỳ sản xuất với tôm bố mẹ sạch, khỏe mạnh cho phép các trại giống cung cấp con giống khỏe mạnh cho người nuôi, giúp tăng cường khả năng sản xuất một vụ mùa thành công.
Đối với các loài tôm bản địa như tôm sú, một vài công ty đã thành công trong việc phát triển các chủng tôm sạch bệnh (SPF), tuy nhiên cũng đã có một số vấn đề với việc đạt được mục tiêu sản xuất do thiếu các giống chất lượng cao thu được qua quá trình thuần hóa. Cùng với nhu cầu quốc tế đối với tôm và giá trị sản xuất tương đối cao đạt được do sử dụng chọn tạo giống tôm thẻ chân trắng, thì rõ ràng hầu hết tôm giống bố mẹ nhập khẩu vào Việt Nam là từ những nhà cung cấp tôm thẻ chân trắng sạch bệnh ở nước ngoài. Những nỗ lực không ngừng nghỉ trong nước nhằm gia hóa giống tôm sú bản địa, nếu thành công, có thể thay đổi điều này trong tương lai.
Hiện nay, một vài doanh nghiệp ở Việt Nam đã thực hiện gia hóa tôm bố mẹ, điều này có cần thiết không?
Tôi cho rằng câu hỏi này liên quan đến các loài tôm sú bản địa, loài được đánh giá là loài nuôi quan trọng nhất trong lịch sử nuôi tôm ở Việt Nam. Với sự suy giảm của loài hoang dã, tính sẵn có biến động theo mùa và thực tế chúng có thể là sinh vật truyền bệnh cho dịch bệnh bùng phát, gia hóa có lợi ích là tăng cường kiểm soát đàn tôm. Gia hóa tôm là một khía cạnh không thể thiếu của việc kiểm soát tình trạng sức khỏe của đàn tôm bố mẹ. Tuy nhiên quan trọng hơn nữa, gia hóa tôm bố mẹ phải được thực hiện chính xác, nếu không nó có thể làm suy yếu ngành công nghiệp tôm địa phương bằng cách duy trì dịch bệnh nếu những loài gia hóa không sạch bệnh. Hơn nữa, nếu không ứng dụng chiến lược nhân giống đúng, những ảnh hưởng tiêu cực của giao phối cận huyết có thể ảnh hưởng nặng nề đến sản lượng.
Có một số cách để ứng dụng chương trình gia hóa, nhưng chỉ có số ít cách mang tính chính xác. Gia hóa tôm cần được phối hợp với một chiến lược nhân giống dài hạn để có thể thành công lâu dài. Thật không may, gia hóa tôm sú cho sản xuất thương mại thành công đã được chứng minh là khó khăn hơn so với tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương. Tôi nghĩ rằng, việc tiếp tục nỗ lực nhằm gia hóa tôm sú là cần thiết và có nhiều loài tôm nuôi khỏe mạnh sẽ tốt cho ngành công nghiệp tôm tại Việt Nam.
Việc gia hóa tôm bố mẹ cần phải đảm bảo những tiêu chuẩn nào, thưa ông?
Các tiêu chuẩn chính để phát triển đàn tôm bố mẹ qua gia hóa: Thứ nhất, bao gồm an toàn sinh học hiệu quả nhằm kiểm soát tình trạng sức khỏe đàn bố mẹ và giữ chúng kháng những mầm bệnh của nuôi tôm công nghiệp. Thứ hai, ứng dụng chính sách nhân giống đúng đắn nhằm duy trì mức độ cận huyết thích hợp cùng nỗ lực hướng tới cải thiện đàn tôm. Thứ ba, phải cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và chất lượng tốt trong cả vòng đời của tôm. Thứ tư, kiểm soát môi trường tốt và duy trì quản lý môi trường để đảm bảo sức khỏe tối đa cho tôm. Ngoài ra, chương trình gia hóa yêu cầu một cách tiếp cận đa chiều để sản xuất ra tôm bố mẹ và con giống hàng đầu, đảm bảo vụ mùa bội thu.
Để ngành tôm Việt Nam phát triển bền vững, con tôm Việt Nam ngày càng được ưa chuộng trên thị trường thế giới, theo ông cần phải làm gì?
Tính bền vững của ngành công nghiệp tôm Việt Nam phụ thuộc vào quản lý môi trường và tài nguyên có trách nhiệm. Lồng ghép các liên minh hợp tác giữa mỗi phân đoạn của dây chuyền sản xuất sẽ giúp tăng hiệu quả sản xuất và lợi nhuận hàng đầu cho một ngành công nghiệp trưởng thành hơn thích nghi tốt hơn để đối phó với những thách thức của ngành nuôi tôm. Sự chấp thuận của thị trường sẽ dựa vào các vấn đề liên quan đến môi trường, xã hội, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Đạt được các chứng chỉ như Thực hành nuôi tốt nhất (BAP) và tôn trọng những khuyến cáo trong toàn bộ chuỗi sản xuất bao gồm, trại giống, trại nuôi, chế biến sẽ giúp Việt Nam cạnh tranh được trong ngành công nghiệp tôm thế giới đang ngày một phát triển nhanh.
Trân trọng cảm ơn ông!
>> “Việt Nam đã sẵn sàng để trở thành quốc gia hàng đầu trong xuất khẩu tôm nếu khắc phục những thách thức mà cả ngành công nghiệp tôm toàn cầu đang đối mặt, đó là giảm và quản lý dịch bệnh ở tôm”, Steve Arce nhận định. |