Là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Việt Nam hiện nay, Nhật Bản tiếp tục duy trì rào cản kiểm tra Ethoxyquin khiến giá trị xuất khẩu 3 tháng đầu năm giảm mạnh.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), xuất khẩu thủy sản trong tháng 3 tiếp tục gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ và nguồn nguyên liệu. Ước tính giá trị xuất khẩu giảm 17 – 18% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 447 – 450 triệu USD. Tổng xuất khẩu trong cả quý I ước đạt 1,2 tỷ USD, giảm 7,5 – 8%.
Tôm sang Nhật còn vấp rào cản kiểm tra Ethoxyquin. Ảnh: Vietfish
Nguyên nhân khiến cho xuất khẩu sụt giảm là nguồn nguyên liệu tôm thiếu hụt vì dịch bệnh. Mặt khác đầu ra lớn nhất là thị trường Nhật Bản tiếp tục duy trì rào cản kiểm tra Ethoxyquin khiến xuất khẩu tôm trong tháng 3 giảm hơn 10%, đạt 160 triệu USD và 3 tháng đầu năm đạt khoảng 400 triệu USD, giảm 7,9% – 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với cá tra, trong tháng 3 giảm trên 13%, đạt 140 triệu USD, tổng xuất khẩu trong quý I đạt 393 triệu USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vẫn chưa thoát khỏi bế tắc về vốn và khó khăn trong tiêu thụ, giá trung bình thấp và áp lực từ các rào cản thị trường.
Xuất khẩu cá ngừ, trong 3 tháng ước đạt 145 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng trong tháng 3 đã có xu hướng đi xuống, giảm 16%. Sản lượng khai thác cá ngừ được đánh giá là khả quan trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên ngày càng nhiều ngư dân có xu hướng chuyển sang đánh bắt cá ngừ theo phương pháp câu tay (để giảm chi phí và tăng năng suất) khiến cho chất lượng cá đánh bắt thấp, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Xu hướng này có thể tiếp tục trong những tháng tới làm ảnh hưởng tới sản lượng và chất lượng cá xuất khẩu.