Tôm Việt Nam không bán phá giá

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam đạt 2,25 tỷ USD, tiếp tục trong top mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất. Tuy nhiên, ngành tôm đang phải đối diện nhiều rào cản thương mại, nhất là vấn đề chống bán phá giá (CBPG).

Hóa giải thách thức

Mỹ là một trong những thị trường tiềm năng của DN Việt Nam, song hàng loạt rào cản thương mại cũng được dựng lên nhằm hạn chế hàng nhập khẩu. Ngày 1/1/2004, Liên minh tôm miền Nam đệ đơn lên Bộ Thương mại Mỹ (DOC) và Ủy ban thương mại Quốc tế Mỹ, kiện 6 nước gồm: Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan và Việt Nam đã bán phá giá tôm vào Mỹ. Ngày 21/1/2004, DOC chấp nhận đơn và yêu cầu áp đặt các mức thuế 25,76 – 263,68% đối với tôm đông lạnh và đóng hộp nhập từ 6 nước kể trên. Theo VASEP, từ năm 2004, tôm Việt Nam nhận “án” CBPG từ Mỹ, 54 DN Việt Nam trong danh sách này bị áp dụng mức thuế phá giá 4,3 – 25,76%, và hằng năm Mỹ đã tổ chức các đợt xem xét hành chính thuế CBPG tôm nhập từ Việt Nam.

Năm 2013, ngành tôm Việt Nam vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn từ thị trường, dịch bệnh, chi phí đầu vào… Nhà nước đã có nhiều giải pháp, như: tìm chất thay thế Ethoxyquin, hạ lãi suất, đặc biệt là gia hạn cho các DN XK thủy sản được vay ngoại tệ đến hết năm 2013.

Năm 2012, Việt Nam xuất khẩu 2,25 tỷ USD tôm – Ảnh: An Đăng

Và niềm vui mới đã đến với các DN XK tôm Việt Nam khi mới đây, ngày 6/3/2013, DOC đã công nhận các DN Việt Nam không bán phá giá tôm vào Mỹ giai đoạn 1/2/2011 – 31/12/2012 (POR7). Theo đó, mức thuế được áp với cả các bị đơn bắt buộc, bao gồm Công ty CP XNK Thủy sản Minh Phú, Công ty CP Thủy sản Nha Trang và các bị đơn tự nguyện là DN Việt Nam khác đều 0%. Đây là lần đầu tiên trong 10 năm xem xét vụ kiện tôm Việt Nam, DOC công nhận tất cả các DN Việt Nam không bán phá giá. Quyết định này đã mang thêm nhiều hy vọng cho các DN XK tôm Việt Nam trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn; và khi Mỹ vẫn được xác định là lớn của thủy sản Việt Nam, đặc biệt với tôm và cá tra. Hai tháng đầu năm 2013, Mỹ dẫn đầu thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam, với giá trị 56,3 triệu USD, chiếm 23,2% tổng giá trị XK tôm, tăng 8,3% so cùng kỳ năm 2012.

 

Để tránh bị kiện

Các DN Việt Nam chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn về chi phí cho các vụ kiện, bản thân các DN còn bị động trong ứng phó… Theo Tham tán thương mại Việt Nam tại một số nước, để hoạt động XK có thể thoát khỏi hàng rào Thương mại và kỹ thuật, điều quan trọng hơn cả, Nhà nước và DN phải có sự hợp tác vĩ mô, xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm.

Theo GS-TS Võ Thanh Thu, thành viên Hội đồng Trọng tài quốc tế Việt Nam, DN và các ban ngành, hiệp hội cần có biện pháp phòng tránh để khỏi vướng vào các vụ kiện và cách thức giải quyết tốt nếu vụ kiện xảy ra; các hiệp hội ngành hàng phải thể hiện được vai trò của mình trong hỗ trợ DN đối phó, thực hiện các công việc giải quyết vấn đề. DN cần tham gia tích cực vào quá trình điều tra (hợp tác sẽ mang lại lợi ích cho DN); nâng cao ý thức chủ động phòng chống các vụ kiện, thông qua việc làm minh bạch, rõ ràng sổ sách, từ thu mua nguyên liệu đến sản xuất.

>> “Bán phá giá” là hiện tượng giá XK một sản phẩm được XK từ một nước này sang một nước khác thấp hơn mức giá có thể so sánh được của một sản phẩm tương tự được tiêu dùng tại nước XK theo điều kiện thương mại thông thường. Về bản chất, “bán phá giá” trong thương mại quốc tế là hành vi phân biệt giá cả: Đối với cùng một sản phẩm hoặc sản phẩm tương tự, nhưng giá XK thấp hơn giá tiêu thụ nội địa.

Phương Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!