Tổn thất sau thu hoạch của các nghề khai thác hải sản hiện nay khoảng 15 – 20%. Mặc dù có giảm so với trước nhưng đây vẫn là con số quá cao. Nhiệm vụ cấp bách hiện nay là phải giải quyết được vấn đề này.
Nguyên nhân, theo Tổng cục Thủy sản, việc bảo quản hải sản vẫn lạc hậu, chủ yếu làm lạnh bằng nước đá, muối ăn và phơi khô. Cho nên, tổn thất sau thu hoạch của các nghề khai thác hải sản khoảng 15 – 20%, có giảm so trước đây đến 25 – 30% nhưng vẫn quá cao. Trong đó, nghề lưới kéo có tỷ lệ tổn thất cao nhất; các nghề lưới vây, chụp mực, nghề câu có tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch thấp hơn nhưng cũng đến 12 – 15%. Ngư dân một số địa phương đã làm hầm bảo quản hải sản trên tàu bằng vật liệu cách nhiệt Polyurethan, giảm hao hụt đá lạnh bảo quản từ 18% xuống còn 10% và kéo dài thời gian bảo quản để bám biển từ 4 – 6 ngày, giữ được chất lượng hải sản nhưng số lượng tàu này còn ít.
Hải sản khai thác bảo quản lạc hậu nên tổn thất cao. Ảnh: Thế Duyệt
Số liệu tại hội nghị, từ tháng 10/2019 – 4/2020, thời tiết thuận lợi cho nghề đánh bắt hải sản, cá nổi nhỏ xuất hiện nhiều tại ngư trường Bắc Trung bộ và Đông Nam bộ như cá cơm, cá nục, cá chỉ vàng, ruốc, thu bè. Trong lúc, giá nhiên liệu giảm mạnh đã đem lại nhiều thuận lợi cho ngư dân. Sản lượng khai thác biển 4 tháng đầu năm 2020 đạt 1,13 triệu tấn, tăng 0,8% so cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, do dịch COVID-19 nên xuất khẩu lại gặp nhiều khó khăn. Số liệu Hải quan trong quý I/2020, xuất khẩu hải sản chỉ đạt 658,6 triệu USD, giảm 6,6% so cùng kỳ năm trước. Những hải sản giảm nhiều là mực và bạch tuộc giảm 24%, cá ngừ giảm 10%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm 4%, các loại cá biển khác giảm 0,8%; chỉ có cua, ghẹ và giáp xác tăng 33%. Tình hình xuất khẩu quý II/2020 đang có nhiều tín hiệu sáng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, sau khi giãn cách xã hội được nới lỏng ở một số quốc gia, Bộ đã triển khai hội nghị về cá tra, tôm và hải sản để làm rõ những cơ hội mở ra trong khó khăn. Thị trường Trung Quốc đã kiểm soát được dịch COVID-19, bắt đầu tiêu thụ nhiều hải sản của Việt Nam; thị trường Mỹ, EU đang khởi động trở lại. Trong lúc, nhiều nước xuất khẩu lớn hải sản đang suy giảm do ảnh hưởng dịch, tình hình đó mở rộng cửa cho xuất khẩu hải sản Việt Nam.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Tiến cũng nhấn mạnh: “Cần phải nâng cao năng lực khai thác, bảo quản và chế biến hải sản để chinh phục các thị trường khó tính. Sản phẩm khai thác từ biển nếu không đảm bảo chất lượng thì dù ngành chế biến của nước ta có hiện đại cỡ nào cũng không thể giảm tổn thất sau thu hoạch và đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Do đó, để tận dụng cơ hội xuất khẩu hải sản đang rộng mở, đề nghị các địa phương và hiệp hội hướng dẫn ngư dân đánh bắt tuân thủ nghiêm khuyến nghị của EC, nâng cao chất lượng bảo quản, tạo đà phát triển bền vững cho toàn ngành”.
Ngọc Duyên