Tổng công ty mạnh cho mục tiêu xa

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Ngày 17/3, tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Cao Đức Phát đã công bố quyết định thành lập Tổng công ty Thủy sản Việt Nam, hợp nhất từ 3 đơn vị là Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (cũ), Tổng công ty Hải sản Biển Đông và Tổng Công ty Thủy sản Hạ Long, sau hơn 1 năm chuẩn bị. Đây được coi là một bước đột phá với kỳ vọng tạo luồng sinh khí mới trong việc thực hiện Chiến lược Phát triển thủy sản đến năm 2020.

Một bước đệm chắc chắn

Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 91 về việc thí điểm tập đoàn kinh doanh. Vào thời điểm đó, tập đoàn kinh doanh là một hình thức tổ chức còn mới mẻ vì thế những doanh nghiệp được thành lập được biết đến là Tổng công ty 91. Đến năm 2006, các Tổng công ty 91 từng bước chuyển thành các tập đoàn. Hiện cả nước có 21 Tập đoàn, Tổng công ty bao trùm tất cả các lĩnh vực. Theo báo cáo từ Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp thì trong 20/21 Tập đoàn, Tổng công ty 91 trong năm 2010 có tổng doanh thu là 1.173.489 tỷ đồng, tăng 22% so với kế hoạch năm và 36% so với năm 2009. Nghĩa là chiếm gần 60% GDP của cả nước. Điều đó chứng tỏ, Tập đoàn, Tổng công ty 91 đang là đầu tàu kinh tế của nền kinh tế nước ta.

Tuy là một trong 3 mặt hàng xuất khẩu chính, kim ngạch trên 5 tỉ USD (năm 2010), nhưng nhìn trên bình diện chung, thủy sản Việt Nam vẫn chưa thấy bóng dáng một “thủ lĩnh” thực sự để xốc toàn ngành đi lên. Và nếu nhìn vào vốn điều lệ thì Tổng công ty Thủy sản Việt Nam vẫn còn thiếu 107 tỉ đồng nữa mới được xếp vào danh sách Tổng công ty 91, hay Tập đoàn (vốn điều lệ được quy định trong Quyết định 91 là 1.000 tỉ đồng). Nhưng ngay sau khi Tổng công ty Thủy sản Việt Nam được thành lập, nhiều chuyên gia đã cho rằng, việc Tổng công ty Thủy sản Việt Nam trở thành tập đoàn kinh tế chỉ còn là vấn đề thời gian.

Sự tăng trưởng của ngành thủy sản được kỳ vọng đi lên sau “cú hích” thành lập Tổng công ty Thủy sản Việt Nam  Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Điều đó hoàn toàn có thể trở thành hiện thực, bởi tiềm lực của Tổng công ty Thủy sản Việt Nam đủ để trở thành một tập đoàn làm ăn phát đạt, đặc biệt, trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu thủy sản có mức tăng trưởng 10%/năm như thời gian qua.

 

Chiến lược định sẵn

Năm 2006, khi những Tổng công ty 91 chuyển sang Tập đoàn, đồng thời với đó, Chính phủ cũng đã chuẩn bị một kế hoạch để tiến tới thành lập Tập đoàn Thủy sản Việt Nam khi phê duyệt Đề án chuyển Tổng công ty Thuỷ sản Hạ Long và Tổng công ty Hải sản Biển Đông sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con.

Nhiệm vụ của 2 Tổng công ty này là trực tiếp các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư nguồn vốn vào các công ty con, công ty liên kết; chịu trách nhiệm bảo toàn và phát triển phần vốn nhà nước tại Tổng công ty và vốn đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết. Bên cạnh đó, Đề án này cho phép Tổng công ty Hải sản Biển Đông làm thủ tục phá sản 4 doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả để sử dụng nguồn vốn vào những nơi có lợi tức cao hơn. Còn Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (cũ) vào giai đoạn trước năm 2006 có kim ngạch xuất từ 120-150 triệu USD/năm, là một “đại gia” của ngành thủy sản với 27 thành viên và 7 công ty liên doanh với mức tăng trưởng trung bình 8-10%/năm. Đây là mức tăng trưởng được nhiều công ty ở trong và ngoài ngoài thủy sản mơ ước.

 

Tương lai đầy hứa hẹn

Chiến lược Phát triển Thủy sản đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ thông qua, trong đó, mục tiêu trong vòng 10 năm tới, ngành thủy sản sẽ cơ bản được CNH – HĐH. Đây là một trong những thế mạnh của Tổng công ty Thủy sản Việt Nam vốn có truyền thống về đóng, sửa chữa tàu, dịch vụ hậu cần đánh bắt và chế biến thủy hải sản khi có một đội tàu đánh bắt hùng hậu trải dài từ Bắc vào Nam.

Ngoài ra, với mục tiêu chiến lược là xây dựng và phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả, thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh cao và hội nhập vững chắc vào kinh tế thế giới, Tổng công ty Thủy sản sẽ phát huy được hết tiềm năng và thế mạnh của mình. Bởi với những vấn đề đưa ra trong Chiến lược Phát triển Thủy sản đến năm 2020 thì các công ty tư nhân, công ty cổ phần hóa khác khó làm được khi chỉ tập trung vào khâu chế biến xuất khẩu hơn là đầu tư vào sự phát triển bền vững của toàn ngành thủy sản.

Mặt khác, việc ra đời của Tổng công ty Thủy sản Việt Nam cũng mang tính động lực để ngành thủy sản Việt Nam thêm cơ hội hoàn thành mục tiêu đóng góp từ 20-35% GDP trong khối nông, lâm, thủy sản như Chiến lược Phát triển Thủy sản đến năm 2020 đề ra.

Bộ trưởng Bộ NN &PTNT Cao Đức Phát cho rằng, trong tương lai không xa, Tổng công ty Thủy sản Việt Nam sẽ trở thành một tổ chức mạnh của Nhà nước, của Bộ NN&PTNN để thúc đẩy ngành thủy sản đi lên. Tổng công ty Thủy sản sẽ là nòng cốt xung kích trong nhiệm vụ công ích của ngành thủy sản như hậu cần nghề cá, sửa chữa tàu thuyền, xây dựng đội tàu đánh bắt xa bờ và kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Để làm được điều này, trước mắt, Tổng công ty cần sớm ổn định, nhanh chóng đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ ngành thủy sản trên địa bàn cả nước. Ngoài ra, với thế mạnh của mình, Tổng công ty sớm có những chính sách đột phá để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Vũ Hạ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!