Top 10 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam 2012

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2012, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 6,18 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2011 (không đạt kế hoạch 6,5 tỷ USD). Bên cạnh sự tăng trưởng tại một số thị trường mới thì các thị trường truyền thống lại có xu hướng giảm.

1. Mỹ

Đến giữa tháng 12/2012, giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam của Mỹ đạt hơn 1,149 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2011, chiếm 19,6% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Mỹ là một trong 3 thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới, sau EU và Nhật Bản, và cũng là một thị trường quan trọng của Việt Nam. Một số mặt hàng nhập khẩu chính của Mỹ trong năm qua gồm tôm (hơn 437 triệu USD, tăng 8,7%), cá tra (hơn 346,5 triệu USD, tăng 17,7%), cá ngừ (hơn 237,9 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ)…

 2. EU

Từ năm 2007, EU đã vượt qua Nhật Bản để trở thành đối tác nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, chính sách siết chặt tín dụng tại các nước châu Âu thực hiện trong năm 2012 đã tác động đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường này. Với giá trị nhập khẩu đạt 1,085 tỷ USD đến 15/12/2012, giảm 11% so với cùng kỳ, EU vẫn là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn, chiếm 18,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Các sản phẩm nhập khẩu chính của EU như: cá tra (407,1 triệu USD), tôm (297,6 triệu USD), cá ngừ (106,8 triệu USD), nhuyễn thể hai mảnh vỏ (50,1 triệu USD).

2012, tôm Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Nhật Bản với giá trị 592,2 triệu USD

 3. Nhật Bản

Hiện, Nhật Bản nhập khẩu hơn 1,05 tỷ USD, chiếm 17,9% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2011. Các sản phẩm chính: tôm đạt 592,2 triệu USD, mực, bạch tuộc hơn 137,9 triệu USD; cá ngừ hơn 51,523 triệu USD.

Từ những năm 2005, 2006, Nhật là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam nhưng đến năm 2009, Nhật tụt xuống vị trí thứ hai. Đến hết tháng 11 năm 2012, giá trị nhập khẩu thủy sản của thị trường này tiếp tục giảm, đứng thứ 3 sau EU và Mỹ.

 4. Hàn Quốc

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt hơn 487,98 triệu USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 8,3% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Hiện, Hàn Quốc được đánh giá là thị trường rất tiềm năng tại thời điểm này. Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực: tôm (164,2 triệu USD); mực, bạch tuộc (hơn 141,55 triệu USD); nhuyễn thể hai mảnh vỏ (hơn 2,659 triệu USD)… Bên cạnh đó, cá ngừ đang là mặt hàng được người tiêu dùng Hàn Quốc ưa chuộng.

 

5. Trung Quốc và Hồng Kông

Trung Quốc và Hồng Kông là thị trường có nhiều tiềm năng cho thủy sản Việt Nam. Nhu cầu tiêu dùng thủy sản ở hai thị trường này lớn và tăng nhanh với chủng loại và sản phẩm đa dạng như tôm (hơn 240,8 triệu USD), cá tra (hơn 69,134 triệu USD)… Từ 1/1 đến 15/12/2012, giá trị nhập khẩu đạt hơn 395,1 triệu USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ và chiếm 6,7% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

 6. ASEAN

ASEAN chiếm 5,7% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam với hơn 332,3 triệu USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2011. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường này bao gồm: cá tra (hơn 106,16 triệu USD), tôm (hơn 34,79 triệu USD). Singapore hiện là thị trường lớn nhất trong khối về nhập khẩu cá tra Việt Nam.

 7. Australia

Quốc gia này hiện nhập khẩu tới 70% tổng sản lượng thủy sản để phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước. Theo các chuyên gia ngành thủy sản, tôm, cá tra, basa, mực, bạch tuộc của Việt Nam luôn là mặt hàng được người tiêu dùng Australia lựa chọn. Đến giữa tháng 12/2012, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang quốc gia này đạt hơn 178,7 triệu USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2011, chiếm 3% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2012, trong đó tôm đạt giá trị hơn 98,75 triệu USD.

2012, giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,8 tỷ USD

8. Canada

Với giá trị xuất khẩu đạt hơn 127,9 triệu USD tính đến giữa tháng 12 năm 2012, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2011, Canada trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 8 của Việt Nam năm 2012. Mặt hàng tôm (đạt hơn 67,17 triệu USD) chiếm giá trị cao nhất, kế đến là nhuyễn thể hai mảnh vỏ… Nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Canada thường tăng mạnh vào thời gian từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm. Đây vẫn được coi là thị trường nhập khẩu tiềm năng của ngành thủy sản Việt Nam.

 9. Mexico

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mexico chiếm hơn 104,4 triệu USD, tăng 12,9,5% so với cùng kỳ. Đặc biệt, sản phẩm fillet cá tra Việt Nam (chiếm hơn 95,84 triệu USD) có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn tại Mexico. Bên cạnh đó, sản phẩm cá ngừ chiếm tỷ trọng lớn với 6,5 triệu USD tính đến 15/12/2012. Đây là mặt hàng có giá trị xuất khẩu đứng thứ hai trong số các sản phẩm thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam sang Mexico, chỉ sau cá tra.

 10. Nga

Đứng cuối trong top 10 năm 2012, giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam của Nga chỉ đạt hơn 94,16 triệu USD, giảm 6,2% so với cùng kỳ, nhưng đây vẫn là thị trường nhập khẩu lớn sản phẩm cá tra, basa, mực, bạch tuộc…         

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!