Bất chấp khó khăn cả trong và ngoài nước, xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2012 vẫn đạt hơn 2,23 tỷ USD. Nhật Bản là thị trường quan trọng nhất của tôm Việt Nam khi chiếm đến 27,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
1. Nhật Bản
Năm 2012, với giá trị nhập khẩu 617,7 triệu USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2011, Nhật Bản đã trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của tôm Việt Nam. Nửa đầu năm 2012, xuất khẩu tôm nước ta sang Nhật liên tục tăng trưởng mạnh, nhưng từ khi nước này dựng nên rào cản Ethoxyquin thì giá trị xuất khẩu liên tục giảm từ 1,4% (tháng 7/2012) lên đến 26,9% (tháng 12/2012). Trong năm 2013, nếu không có giải pháp hữu hiệu tháo gỡ vướng mắc Ethoxyquin thì giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật còn tiếp tục giảm.
2. Mỹ
Mỹ là thị trường chiếm đến 20,3% (454,5 triệu USD) tổng giá trị xuất khẩu của tôm Việt Nam năm 2012. Trong năm 2013, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ có thể sẽ gặp nhiều trở ngại do nhu cầu thấp, suy thoái kinh tế toàn cầu và nguy cơ đối diện với việc bị áp cả 2 loại thuế là bán phá giá và trợ cấp bởi mới Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức thụ lý đơn kiện chống trợ cấp của Liên minh công nghiệp tôm vùng Vịnh (COGSI) đối với tôm nước ấm nhập khẩu từ Việt Nam và 6 nước khác.
3. EU
Chính sách siết chặt tín dụng tại các nước châu Âu đã tác động rất lớn đến xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này thời gian qua. Năm 2012 dù EU là thị trường lớn thứ 3 trong top 10 thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam, nhưng giá trị xuất khẩu tôm nước ta sang EU lại khá ảm đạm khi chỉ đạt 311,7 triệu USD, giảm 24,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều dự báo cho thấy, xuất khẩu tôm trong năm 2013 sang thị trường này tiếp tục không mấy sáng sủa bởi khủng hoảng nợ công ở châu Âu còn tiếp diễn.
4. Trung Quốc và Hồng Kông
Là thị trường tiêu thụ lớn thứ tư, chiếm 11,4% giá trị xuất khẩu của tôm Việt Nam. Hết năm 2012, Trung Quốc và Hồng Kông đã nhập khẩu số lượng tôm trị giá khoảng 255,4 triệu USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Trung Quốc đang có động thái dựng rào cản nhằm hạn chế nhập khẩu thủy sản Việt Nam. Bên cạnh đó, thương lái Trung Quốc còn tăng cường thu gom tôm nguyên liệu của Việt Nam, kể cả tôm có bơm tạp chất vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, từ đó làm mất uy tín của tôm Việt Nam.
5. Hàn Quốc
Chỉ trong tháng 12/2012, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đã đạt hơn 17 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012 lên 171 triệu USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, từ cuối tháng 11/2012, Hàn Quốc đã bắt đầu áp dụng kiểm tra dư lượng Ethoxyquin đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam với mức 0,01 ppm như Nhật Bản. Đây sẽ là áp lực cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm nước ta sang thị trường này thời gian tới.
6. Australia
Australia là thị trường nhập khẩu có mức tăng trưởng đáng chú ý nhất của tôm Việt Nam trong năm 2012, tăng 25,7% so cùng kỳ năm trước, đạt 101 triệu USD. Trong bối cảnh thị trường EU có nhu cầu nhập khẩu thấp và khó có khả năng phục hồi sớm, thị trường Mỹ dư thừa nguồn cung, Nhật Bản “bấp bênh” với nhiều rào cản kỹ thuật… thì Australia là một trong những “điểm sáng” cho xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2013.
7. Đài Loan
Đài Loan hiện là thị trường đơn lẻ lớn thứ 7 về nhập khẩu tôm Việt Nam sau Nhật, Mỹ, EU, Trung Quốc và Hồng Kông, Hàn Quốc, Australia. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Đài Loan năm 2012 đạt 75,8 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, tôm sú chiếm hơn 80% tỷ trọng xuất khẩu. Tuy nhiên thời gian tới, tôm sú Việt Nam sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh lớn với Indonesia, Ấn Độ… do chi phí sản xuất tăng cao.
8. Canada
Hơn một thập kỷ qua Canada luôn có tên trong top 10 thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Canada tuy không tăng trưởng mạnh, nhưng đây vẫn được xem là thị trường tiềm năng đối với tôm Việt Nam, do nước này có vị trí sát Mỹ và người dân có mức sống cao. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sang Canada đạt 69,7 triệu USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Để thâm nhập sâu và mở rộng được thị phần tôm Việt Nam tại Canada thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm nước ta cần phải tìm hiểu kỹ hơn những thông tin cũng như quy định của thị trường này.
9. Thụy Sĩ
Hết năm 2012, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sang Thụy Sĩ chỉ đạt 37,8 triệu USD, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Con số này chưa gây được ấn tượng lớn, song lại mở ra cơ hội mới trong việc chinh phục thị trường Thụy Sĩ, một trong những thị trường tiềm năng của châu Âu.
10. ASEAN
Nếu trong năm 2011, xuất khẩu tôm Việt Nam sang ASEAN tăng trưởng khá mạnh, đạt 48 triệu USD, tăng 54,7% so với năm 2010 thì trong năm 2012, xuất khẩu tôm nước ta sang thị trường này lại không mấy khả quan khi giảm 24,9% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt hơn 36,1 triệu USD. Tuy nhiên, ASEAN vẫn có mặt trong danh sách 10 thị trường nhập khẩu hàng đầu tôm Việt Nam.
>> Năm 2012, tôm Việt Nam đã xuất khẩu sang 92 thị trường, với giá trị đạt 2,23 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm 2011. Trong số ba thị trường chủ lực nhập khẩu tôm từ Việt Nam, chỉ có Nhật Bản tăng nhẹ 1,7% so với năm 2011, còn Mỹ và EU giảm mạnh tới 18,6% và 24,5%. |