Năm 2013, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt kỷ lục mới, có thể chạm mốc 3 tỷ USD. Đặc biệt, Mỹ đã vượt qua Nhật Bản để vươn lên vị trí dẫn đầu về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm 26,7% tổng giá trị tôm xuất khẩu.
1. Mỹ
Tính từ 1/1 đến 15/12/2013, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 784,452 triệu USD, tăng 79,2% so với cùng kỳ 2012, chiếm 26,7% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam. Lần đầu tiên sau 5 năm qua, Mỹ đã vượt qua Nhật Bản, dẫn đầu về nhập khẩu tôm Việt Nam. Giá tôm tăng mạnh liên tục từ khi Mỹ công bố tôm Việt Nam không bán phá giá và gỡ bỏ việc áp thuế chống trợ cấp. Hai quyết định này đồng thời thể hiện Mỹ thừa nhận ngành tôm Việt Nam hoạt động theo cơ chế thị trường.
2. Nhật Bản
Năm 2012, do ảnh hưởng của quy định về kiểm tra dư lượng Ethoxyquin, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật giảm liên tiếp trong nhiều tháng khiến tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường này cả năm chỉ đạt 617,7 triệu USD, tăng 1,7% so với năm 2011. Từ đầu năm 2013, tình trạng này được cải thiện đáng kể. Tính đến giữa tháng 12/2013, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật đạt 647,560 triệu USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ 2012, chiếm 23% tổng giá trị tôm xuất khẩu. Ngoài vấn đề Ethoxyquin, nguồn cung tôm từ Thái Lan giảm mạnh và giá tôm trên thị trường thế giới tăng cao đã và đang hậu thuẫn cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này.
3. EU
Kinh tế khu vực EU được cho là đã thoát khỏi tình trạng suy thoái nghiêm trọng, nhu cầu tiêu thụ được cải thiện cộng với giá tôm trên thị trường này cũng tăng. Điều này khiến xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU phục hồi mạnh với mức tăng trưởng 29,9% so với cùng kỳ 2012, đạt 386,824 triệu USD, chiếm 13,2% tổng giá trị tôm xuất khẩu. Xuất khẩu sang 3 thị trường đơn lẻ dẫn đầu về tiêu thụ tôm Việt Nam trong khu vực này là Đức, Anh và Pháp đều tăng trưởng cao trong năm qua. Trong đó, xuất khẩu sang Đức tăng 17,0%, sang Anh tăng 58,6% và sang Pháp tăng 66,0%. Tôm nguyên liệu đông lạnh vẫn chiếm ưu thế trong cơ cấu nhập khẩu tôm vào EU.
4. Trung Quốc và Hồng Kông
Đây là thị trường có tốc độ tăng nhập khẩu mạnh nhất từ Việt Nam, trung bình xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 28 triệu USD/tháng, chiếm tới 68% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Năm 2013, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông đạt gần 400 triệu USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2012, chiếm 12,3% tổng giá trị tôm xuất khẩu. Đây không phải tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh thiếu nguồn nguyên liệu cho những thị trường có nhu cầu và giá nhập khẩu cao như Mỹ, Nhật và EU. Tôm xuất sang Trung Quốc là tôm nguyên liệu, chiếm 96,3% cho thấy ngành tôm đang bị lệ thuộc vào thị trường dễ biến động này.
5. Hàn Quốc
Hàn Quốc luôn duy trì mức tăng trưởng dương trong những năm qua và là một trong 5 thị trường lớn nhất nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm 6,9% tổng giá trị xuất khẩu tôm. Tính đến 15/12/2013, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 201,812 triệu USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ 2012. Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc để dẫn đầu cung cấp tôm cho Hàn Quốc. Tuy nhiên, Hàn Quốc nhập khẩu chủ yếu tôm nguyên liệu đông lạnh, chiếm 77% tổng lượng nhập khẩu tôm vào thị trường này.
6. Australia
Năm 2012, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia đạt trên 101 triệu USD, tăng 25,7% so với năm 2011, chiếm 55% tổng xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang nước này. Tính đến 15/12/2013, xuất khẩu tôm sang Australia tăng 23,7% so với cùng kỳ 2012, đạt giá trị 122,129 triệu USD, chiếm 4,2% tổng giá trị xuất khẩu tôm. Việt Nam là nước cung cấp tôm chế biến lớn thứ hai sau Trung Quốc và đứng thứ 4 về cung cấp tôm nguyên liệu đông lạnh cho thị trường này. Tuy nhiên, để tăng xuất khẩu vào Australia, ngành thủy sản Việt Nam cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường xúc tiến thương mại; quảng bá, giới thiệu sản phẩm…
7. Canada
Hơn một thập kỷ qua, Canada luôn có tên trong top 10 thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam. Với giá trị xuất khẩu đạt 114,068 triệu USD, tăng 69,8% so với cùng kỳ 2012, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Canada tuy không tăng trưởng mạnh và liên tục, nhưng đây vẫn được xem là thị trường tiềm năng. Bên cạnh đó, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Canada cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là cạnh tranh mạnh từ Ấn Độ. Trong nhiều năm qua, nhập khẩu tôm Ấn Độ vào Canada liên tục tăng trưởng 2 con số, góp phần làm giảm thị phần tôm Việt Nam tại đây.
8. Đài Loan
Đến 15/12/2013, giá trị xuất khẩu tôm sang Đài Loan đạt hơn 92 triệu USD, tăng khoảng 27% so với cùng kỳ 2012. Chủ yếu là tôm sú đông lạnh. Tuy nhiên, Đài Loan cũng là thị trường không dễ thâm nhập do chủ trương duy trì các tập quán thị trường trong nước và buôn bán với bạn hàng truyền thống. Bên cạnh đó, Đài Loan cũng áp dụng những tiêu chuẩn, quy định khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch… Do vậy, với thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam phải tự ý thức trong việc quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh.
9. Thụy Sĩ
Giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang Thụy Sĩ đạt 48,405 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ 2012. Con số này chưa gây được ấn tượng lớn, song lại mở ra cơ hội mới trong việc chinh phục một trong những thị trường tiềm năng của châu Âu. Thị trường Thụy Sĩ yêu cầu chất lượng cao hàng đầu thế giới; vì vậy doanh nghiệp tôm Việt Nam cần nắm rõ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cũng như khả năng cạnh tranh với sản phẩm cùng loại tại đây.
10. ASEAN
Năm 2013, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang ASEAN đạt 48,270 triệu USD, tăng 38,3% so với cùng kỳ 2012. ASEAN là khối thị trường có mức tăng trưởng nhập khẩu mặt hàng tôm Việt Nam tương đối cao và ổn định. Dịch bệnh trên tôm khiến nhiều nước Đông Nam Á phải tăng lượng tôm nhập khẩu nhằm cung cấp cho thị trường nội địa và phục vụ chế biến xuất khẩu. Trong đó, các thị trường chính như: Singapore đạt 31,753 triệu USD, tăng 29,9%; Philippines đạt 6,948 triệu USD, tăng 32,6%.