(TSVN) – Vừa qua, Ngân hàng Thế giới và Hãng tin Tài chính S&P Global Market Intelligence đã công bố Chỉ số CPPI (Container Port Performance Index – chỉ số hoạt động cảng container) cho 370 cảng toàn cầu, trong đó có cụm cảng Cái Mép của Việt Nam.
Chỉ số CPPI được đánh giá dựa trên thời gian cần thiết để tàu hàng hoàn thành công việc tại cảng, bao gồm vào luồng, cập cảng, bốc dỡ hàng và ra luồng. Bên cạnh đó, yếu tố kích thước tàu và ứng dụng công nghệ thông tin cũng được đưa vào đánh giá.
Trong đó, cụm cảng Cái Mép được xếp hạng thứ 11 CPPI (theo thống kê trung bình tất cả 5 kích cỡ tàu), và thứ 13 (theo tính kỹ thuật, cho trọng số cao hơn kích cỡ tàu phổ biến ở cảng đó).
Theo đó, đứng đầu là cảng King Abdullah của Ả Rập Saudi. Nằm ở vị trí chiến lược trên bờ Biển Đỏ ở TP Kinh tế King Abdullah, Cảng King Abdullah là cảng đầu tiên của khu vực do tư nhân hoàn toàn sở hữu, phát triển và vận hành.
Ảnh: CruiseMapper
Vị trí thứ hai thuộc về cảng Salalah của Oman. Cảng này là một phần của Con đường tơ lụa trên biển chạy từ bờ biển Trung Quốc qua Kênh đào Suez đến Địa Trung Hải, đến vùng Thượng Adriatic của Trieste cùng hệ thống đường sắt đến Trung và Đông Âu.
Ảnh: JOC.com
Nằm ở vị trí thứ ba là cảng Dương Sơn thuộc địa phận Thượng Hải, Trung Quốc. Cảng Dương Sơn được xây dựng lên để hỗ trợ cho cảng Thượng Hải, nằm trong vùng nước nông, cho phép xây dựng những bến tàu với chiều sâu lên đến 15 m, có khả năng đón các tàu container lớn nhất hiện nay.
Ảnh: Caixin Global
Cảng Hamad là cảng biển chính của Qatar, nằm ở phía Nam Doha trong khu vực Umm Al-Houl.
Cảng Khalifa thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), nằm ở vị trí chiến lược giữa Abu Dhabi và Dubai, được chính thức khánh thành vào ngày 12/12/2012 bởi Tổng thống UAE, Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan.
Ảnh: Bechtel
Cảng Tangier-Mediterranean là một tổ hợp cảng công nghiệp của Ma-rốc, nằm cách Tanger 45 km về phía Đông Bắc và đối diện với Tarifa, Tây Ban Nha trên eo biển Gibraltar, với khả năng xếp dỡ 9 triệu container, 7 triệu hành khách, 700.000 xe tải và xuất khẩu 1 triệu phương tiện.
Ảnh: Vassel Finder
Ở vị trí thứ bảy là cảng Ninh Ba, Chu Sơn, Trung Quốc. Trong năm 2020, cảng Ninh Ba – Chu Sơn giải quyết gần 1,2 tỷ tấn hàng hoá. Theo ấn phẩm hàng hải Lloyd’s List, cảng Ninh Ba – Chu Sơn là cảng bận rộn thứ 3 trên toàn cầu xét về số chuyến hàng container trong năm 2020 và là cảng bận rộn thứ 2 ở Trung Quốc sau Thượng Hải.
Thêm một cảng thuộc Ả Rập Saudi nằm trong top 11 là cảng Jeddah. Được biết, cảng Jeddah là cảng biển có lượng hàng hóa và công suất xử lý hàng lớn nhất Ả Rập Saudi, chiếm 65% lượng hàng nhập khẩu qua tất cả các cảng biển của cả nước.
Khu vực kho bãi rộng 3.9 km2 đáp ứng sức chứa 19.800 TEU hàng. Cảng Jeddah cũng cung cấp các silo để chứa hạt và các bồn chứa dầu thực phẩm. Ngoài ra, cảng còn cho phép tiếp đón các đoàn khách hành hương về các thành phố linh thiêng như Makkah hay Medina, cung cấp các dịch vụ từ phòng chờ, kiểm tra hộ chiếu, hải quan, phòng khách VIP, sảnh làm thủ tục đi và đến.
Cảng biển thứ ba của Trung Quốc nằm trong top này là cảng Quảng Châu, cảng lớn nhất ở phía Nam Trung Quốc. Mỗi năm, cảng này nhận xử lý hơn 400 triệu tấn hàng hóa, trong đó bao gồm hơn 13 triệu TEU, giúp cảng biển này lọt top 10 những cảng biển lớn nhất thế giới.
Vị trí thứ 10 là cảng Algeciras thuộc Tây Ban Nha, đây là một cảng thương mại, đánh cá và du khách. Chủ yếu là một cảng trung chuyển, vị trí gần eo biển Gibraltar và các tuyến vận tải Đông – Tây quan trọng khiến cảng này trở thành một trong những trung tâm trung chuyển nhộn nhịp nhất trên thế giới. Cảng Algeciras cạnh tranh với Tanger-Med trong thị trường trung chuyển địa phương.
Đây là cảng lớn nhất ở Tây Ban Nha với gần 100 triệu tấn vào năm 2015 và lớn nhất ở Biển Địa Trung Hải. Ảnh: Wikimedia Commons
Ở vị trí thứ 11 là cảng Cái Mép (CMIT) thuộc khu vực huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Việt Nam. Cảng Cái Mép là cảng nước sâu thuộc cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, với diện tích 48 ha. Cảng có thiết kế cầu cảng dài 600 m, đón được tàu container tải trọng lên đến 160.000 DWT. Cảng Cái Mép được thành lập ngày 26/1/2007 trên cơ sở liên doanh doanh giữa Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – CTCP, Cảng Sài Gòn và APM Terminals – nhà khai thác cảng container hàng đầu thế giới của Đan Mạch.
Tính riêng 4 tháng đầu năm 2022, hàng hóa container qua CMIT đạt khoảng hơn 3 triệu TEUS, bằng 106% so với cùng kỳ năm 2021 (hơn 2,89 triệu TEUS). Ảnh: Báo Hải quân Việt Nam
Hương Loan
Tổng hợp