(TSVN) – Thống kê của VASEP, trong quý I/2024, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 411 triệu USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2023. Các thị trường nhập khẩu hàng đầu là Trung Quốc & Hồng Kông, Mỹ, EU… Tình hình xuất khẩu cá tra được dự báo sẽ tốt hơn từ quý III/2024, kéo theo xu hướng giá xuất khẩu được điều chỉnh tăng ít nhất khoảng 10% so với giá hiện tại.
Tuy có sự sụt giảm 22% so cùng kỳ năm 2023, nhưng Trung Quốc & Hồng Kông tiếp tục là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam, đạt 112 triệu USD, chiếm 27% tỷ trọng trong tổng giá trị Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường trong quý I/2024.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo sang thị trường này trong 3 tháng đầu năm là cá tra fillet, cắt khúc đông lạnh HS 0304, đạt 66 triệu USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 59% tỷ trọng. Tiếp đó là sản phẩm cá tra tươi/đông lạnh/khô nguyên con, cắt khúc (trừ cá thuộc mã 0304) chiếm 41% tỷ trọng và đạt kim ngạch 46 triệu USD, tăng 4% và cá tra giá trị gia tăng chiếm 0,3% với gần 305 nghìn USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2024, Việt Nam kỳ vọng Trung Quốc sẽ là khu vực tăng trưởng cao về tiêu thụ cá tra, đặc biệt sau khi nước này dỡ bỏ hạn chế đối với hàng hóa nhập khẩu để phòng dịch COVID. Việc nới lỏng chính sách kiểm soát xét nghiệm axit nucleic phần nào giúp cải thiện nhu cầu thực phẩm và hải sản tại thị trường này. Người tiêu dùng tại Trung Quốc đại lục vẫn là khách hàng lớn nhất của Việt Nam về tiêu thụ cá tra.
Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn thứ 2 về cá tra Việt Nam sau Trung Quốc & Hồng Kông. Trong quý I/2024, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt 65 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, riêng tháng 3/2024, Mỹ đã nhập khẩu gần 31 triệu USD cá tra Việt Nam, tăng nhẹ 0,03% so với tháng 3/2023 và tăng gần gấp đôi so với tháng 2/2024. Đây cũng là tháng ghi nhận giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ cao nhất kể từ tháng 6/2023. Giá trung bình xuất khẩu cá tra sang Mỹ những tháng đầu năm nay có nhích hơn so với quý IV/2023 tuy nhiên vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường này 3 tháng đầu năm vẫn tăng so với cùng kỳ, tuy nhiên chủ yếu là do mức tăng trưởng 83% trong tháng đầu năm nay bù đắp cho sự sụt giảm trong tháng 2/2024. Sự tăng trưởng ở thị trường Mỹ trong quý đầu năm nay là một trong những dấu hiệu khả quan cho năm 2024 với những đơn đặt hàng mới, khi lượng tồn kho tại quốc gia này đang giảm.
Sản phẩm fillet cá cod đông lạnh (HS 030471) vẫn tiếp tục đứng đầu về giá trị trong nhóm sản phẩm cá thịt trắng Mỹ nhập khẩu với 44 triệu USD, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2023. Theo sau đó lần lượt là fillet cá rô phi đông lạnh mã HS 030461 với hơn 38 triệu USD, giảm 17% và phile cá tra đông lạnh mã HS 030462 với gần 24 triệu USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2023.
Có thể thấy, Mỹ giảm nhập khẩu hầu hết các sản phẩm cá thịt trắng từ thế giới trong tháng đầu năm 2024. Chỉ có số ít mặt hàng nhập khẩu vào thị trường này tăng nhẹ như cá rô phi đông lạnh mã HS 030323 tăng 6%, và cá rô phi tươi/ướp lạnh mã HS 030271 tăng 8% so với tháng 1/2023.
Giá xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ dao động ở mức 2,64 – 2,83 USD/kg trong 3 tháng đầu năm 2024. So với thời điểm 2 tháng cuối năm 2023, giá xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ có xu hướng tăng dần theo tháng. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sản phẩm cá tra fillet đông lạnh; cá tra cắt miếng/cắt khúc đông lạnh; cá tra tẩm bột đông lạnh; khô cá tra phồng, da cá tra chiên sang thị trường Mỹ.
Các chuyên gia nhận định, mặc dù tình hình xuất khẩu cá tra sang Mỹ đã có sự phục hồi sau năm 2023 nhưng biến động thế giới, lạm phát và căng thẳng Biển Đỏ là những khó khăn trước mắt Việt Nam phải đối mặt khi xuất khẩu cá tra sang siêu cường này. Do những gián đoạn hoạt động vận tải thương mại trên Biển Đỏ, thời gian vận chuyển hàng hóa bằng đường biển giữa Mỹ và Việt Nam phải mất thêm từ 10 đến 15 ngày, dẫn đến gia tăng chí phí, kéo theo hệ quả là ảnh hưởng đến nhà xuất khẩu và gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Vì vậy, việc tham vấn chặt chẽ giữa Mỹ và Việt Nam về thách thức ở Biển Đỏ cũng như các thách thức an ninh và các thách thức thương mại khác là hết sức cần thiết.
Với giá trị kim ngạch đạt 59,1 triệu USD, CPTPP là khối thị trường nhập khẩu cá tra lớn thứ 3 của Việt Nam trong quý I/2024, tăng 7,6% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, Canada là thị trường lớn thứ hai của khối này có sự tăng trưởng cao về nhập khẩu cá tra Việt, tới 43,2% so cùng kỳ, đạt trị giá 10 triệu USD. So với các thị trường khác cùng khối CPTPP, người tiêu dùng Canada ưa chuộng các món ăn từ fillet cá tra, phile cá da trơn đông lạnh, cá tra cắt miếng/khoanh/khúc đông lạnh…
Để duy trì và phát triển thị trường này trong tương lai, VASEP cho rằng, các nhà sản xuất và xuất khẩu cần tiếp tục đầu tư vào nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn và quy định của Canada. Doanh nghiệp cũng cần lưu ý về việc xây dựng mối quan hệ đối tác ổn định và lâu dài, đặc biệt là việc hợp tác với các nhà phân phối và nhà bán lẻ tại Canada để sản phẩm Việt Nam được tiếp cận với người tiêu dùng hiệu quả nhất.
Mặc dù quý I năm nay, tình hình xuất khẩu cá tra có những dấu hiệu tích cực tuy nhiên nhu cầu tại các thị trường chính chưa phục hồi mạnh. Dự báo tình hình sẽ tốt lên từ quý III và quý IV kéo theo xu hướng giá sẽ được điều chỉnh tăng ít nhất khoảng 10% so với giá hiện tại.
Theo VASEP, trong bối cảnh các chi phí như nhân công, xăng dầu, logistics chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, có được mức giá bán phù hợp để đáp ứng nhu cầu từng thị trường là điều cần thiết để ngành cá vượt qua giai đoạn khó khăn và tăng dần giá bán trong thời gian tới của năm 2024. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nên cân nhắc giá xuất khẩu hợp lý và điều chỉnh tăng dần từ 5 – 10% từ nay cho đến quý III và quý IV. Doanh nghiệp cũng nên điều chỉnh sản lượng phù hợp với nhu cầu thị trường đảm bảo cung cầu hợp lý cho các mùa vụ tới, đồng thời thông tin đến khách hàng xu hướng nguyên liệu có thể thiếu vào giai đoạn cuối năm để định giá bán tăng dần đồng thời lưu ý những hợp đồng dài hạn.
Hải Lý
Trong quý I/2024, top 5 xuất khẩu cá tra hàng đầu là: Công ty CP Vĩnh Hoàn (59,6 triệu USD), Công ty CP Nam Việt (22,4 triệu USD), Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang (21,3 triệu USD), Công ty CP Đầu tư và Phát triển I.D.I (20,6 triệu USD) và Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông (17,1 triệu USD).