(TSVN) – Sản xuất thủy sản 9 tháng đầu năm 2024 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Người dân phát triển nuôi ngày càng đa dạng nhiều loại thủy sản đáp ứng nhu cầu thị trường và tạo nguồn thu nhập cho gia đình.
Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, thời gian qua, hoạt động nuôi trồng thủy sản tiếp tục được duy trì, ngành thủy sản đã quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, chú trọng phát triển nuôi các loại thủy sản chủ lực, áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đảm bảo nguồn cung hàng hóa thủy sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
9 tháng đầu năm 2024, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản (không bao gồm diện tích sản xuất giống) ước đạt 4.328 ha, tăng 2,51% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích nuôi cá tra thâm canh, bán thâm canh ước đạt 706 ha, tăng 0,57% so cùng kỳ. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 187.652 tấn, tăng 7,76% so cùng kỳ, bao gồm: Sản lượng thủy sản nuôi trồng 182.292 tấn, tăng 7,69% (tập trung chủ yếu ở cá tra) và sản lượng thủy sản khai thác 5.360 tấn, tăng 10,21% so cùng kỳ.
TP Cần Thơ là địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi nhiều loại thủy sản nhờ những đặc điểm như có nguồn nước ngọt quanh năm và hệ thống kênh rạch chằng chịt. Phát huy các lợi thế sẵn có và được sự quan tâm hỗ trợ tích cực từ ngành chức năng, những năm gần đây, diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn TP Cần Thơ luôn duy trì ở mức cao và có đóng góp quan trọng vào giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Thời gian qua, Chi cục Thủy sản cùng các ngành chức năng tại thành phố cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp xây dựng các vùng nuôi thủy sản chất lượng cao, an toàn nhằm cung cấp nguồn sản phẩm hàng hóa đáp ứng tốt các yêu cầu của người tiêu dùng. Đến nay, thành phố có 193 ha nuôi thủy sản đạt theo các các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn như VietGAP, BAP, ASC,…
Bên cạnh đó, người dân TP Cần Thơ cũng phát triển nuôi ngày càng đa dạng nhiều loại thủy sản, đáp ứng nhu cầu thị trường và tạo nguồn thu nhập cho gia đình. Ngoài đối tượng nuôi chủ lực là con cá tra phục vụ xuất khẩu, hiện người dân phát triển nuôi được hầu hết các đối tượng thủy sản nước ngọt đặc hữu có giá trị kinh tế cao tại địa phương. Đồng thời, nuôi thành công nhiều đối tượng thủy sản được du nhập từ địa phương khác trong vùng ĐBSCL và một số giống thủy sản nhập ngoại như: Cá chạch quế, ếch Thái và nhiều loại cá cảnh.
Mô hình nuôi khá đa dạng với nhiều hình thức như nuôi trong ao, mương, hồ và nuôi trên ruộng hay nuôi trong vèo, nuôi trồng trong bè đặt trên sông rạch, ngoài ra còn có nuôi trong bể xây nhân tạo, bể lót bạt và bồn nhựa. Người dân đã sử dụng khá tốt các diện tích mặt đất, mặt nước và khoảng đất trống sẵn có để nuôi thủy sản.
Đặc biệt, ở các quận, huyện Ô Môn, Thới Lai, Cờ Đỏ, Thốt Nốt người nuôi thủy sản đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ 4.0 để tự động điều chỉnh giờ ăn, cảnh báo mất điện, ứng dụng camera kết nối với điện thoại thông minh quản lý từ xa an ninh khu vực nuôi, kiểm soát đối tượng nuôi, phát hiện sớm những bất thường khi có thay đổi môi trường.
Đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ, triển khai xây dựng vùng nuôi thủy sản áp dụng các tiêu chuẩn: Global GAP, ASC, SQF, BMP, Metro GAP,… nhằm cung cấp nguồn sản phẩm hàng hóa chất lượng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, tăng giá trị sản phẩm và góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, nuôi trồng; phối hợp ngành chức năng hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản của địa phương, cập nhật các thông tin thị trường về nhu cầu tiêu thụ để người nuôi, doanh nghiệp chủ động nuôi trồng, sản xuất hàng hóa thủy sản đáp ứng xuất khẩu,…”.
Nguyễn Hằng