(TSVN) – Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, nuôi trồng thủy sản (NTTS) của địa phương tăng trưởng tích cực nhờ áp dụng các phương thức nuôi trồng tiên tiến, hiệu quả. Lũy kế 11 tháng năm 2024, tổng sản lượng thủy sản tăng 8,28% so cùng kỳ.
Tháng 11/2024, diện tích nuôi trồng thủy sản (không bao gồm diện tích sản xuất giống) ước đạt 5.513 ha, giảm 0,73% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích nuôi cá tra thâm canh, bán thâm canh ước đạt 725 ha, giảm 0,68% so cùng kỳ. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 27.702 tấn (chủ yếu sản lượng cá), tăng 9,76% so cùng kỳ, trong đó, nuôi trồng 26.677 tấn, tăng 9,94% so cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng đầu 2024, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 240.779 tấn, tăng 8,28% so cùng kỳ. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng 233.653 tấn, tăng 8,4% (tập trung chủ yếu ở cá tra) và sản lượng thủy sản khai thác 7.126 tấn, tăng 4,5% so cùng kỳ.
Các cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình, kỹ thuật nuôi đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Ảnh: Quế Lim
Từ đầu năm đến nay, TP Cần Thơ quan tâm quy hoạch vùng nuôi, trồng thủy sản, chú trọng phát triển nuôi các đối tượng thủy sản chủ lực. Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn các cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình, kỹ thuật nuôi đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đảm bảo nguồn cung hàng hóa thủy sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
Một số ứng dụng công nghệ nuôi mới đã và đang là đòn bẩy tạo đột phá cho nuôi trồng thủy sản của thành phố như: Mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa sử dụng giống tôm càng xanh toàn đực sản xuất theo công nghệ Israel tạo ra đàn tôm cái giả cho năng suất 1 tấn/ha, lợi nhuận tăng 35 – 40 triệu đồng/ha so với nuôi giống tôm càng xanh thông thường.
Hay như mô hình nuôi lươn chuyển đổi phương thức sản xuất từ nuôi truyền thống có bùn sử dụng con giống tự nhiên, thức ăn tự chế sang phương thức nuôi không bùn sử dụng con giống bán nhân tạo, thức ăn công nghiệp (giảm rủi ro, tỷ lệ sống 70 – 85%, năng suất từ 10 – 14 kg/m2).
Đặc biệt, mô hình nuôi cá chạch lấu trong ao đất, lắp đặt hệ thống máy quạt nước, sục khí, tạo ôxy trong ao và chế phẩm sinh học xử lý môi trường. Đây là hướng phát triển kinh tế mới cho người dân, năng suất 1,2 tấn/ha, lợi nhuận trên 40 triệu đồng/năm,…
Ngoài ra, ở các quận, huyện Ô Môn, Thới Lai, Cờ Đỏ, Thốt Nốt người nuôi thủy sản đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ 4.0 để tự động điều chỉnh giờ ăn, cảnh báo mất điện, ứng dụng camera kết nối với điện thoại thông minh quản lý từ xa an ninh khu vực nuôi, kiểm soát đối tượng nuôi, phát hiện sớm những bất thường khi có thay đổi môi trường.
Để phát triển nuôi thủy sản theo hướng bền vững, TP Cần Thơ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng và nhân rộng mô hình hiệu quả. Bên cạnh đó, chú trọng tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản,…
Nguyễn Hằng