(TSVN) – Tháng 5/2024, trong điều kiện thời tiết biển thuận lợi, các đội tàu cá TP Đà Nẵng phấn khởi vươn khơi bám biển, sản lượng thủy sản khai thác trong tháng đạt khá. Cùng đó, thành phố đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm xử lý dứt điểm những khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU.
Theo Cục Thống kê TP Đà Nẵng, tháng 5/2024, điều kiện thời tiết biển tương đối thuận lợi, bà con ngư dân tích cực ra khơi bám biển. Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng ước đạt 3.435,9 tấn, tăng 6,4% so với tháng trước và giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế sản lượng thủy sản khai thác 5 tháng năm 2024 đạt 16.286,7 tấn, tăng 1,5% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai thác thủy sản biển ước đạt 16.225,5 tấn, tăng 1,5% so cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, sản lượng khai thác thủy sản nội địa đạt mức tăng khá với 11,6% so cùng kỳ năm trước; tuy nhiên mức tăng này ít ảnh hưởng đến tốc độ tăng chung do lĩnh vực này chiếm tỷ trọng rất nhỏ (chưa tới 1%) trong tổng sản lượng thủy sản khai thác.
TP Đà Nẵng có 50% tàu khai thác vùng khơi. Ảnh: Minh Trường
Hiện, Đà Nẵng có 1.192 tàu cá đã đăng ký, trong đó có 286 tàu khai thác ven bờ, 311 tàu khai thác vùng lộng, 595 tàu khai thác vùng khơi. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá khai thác vùng khơi được hoàn thành.
Theo ông Phan Văn Mỹ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng, để chống khai thác IUU, thành phố tập trung rà soát, thống kê để quản lý chặt chẽ các đội tàu, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác trái tuyến, vượt ranh giới. Khi phát hiện tàu cá vi phạm thì lực lượng chức năng xử lý nghiêm rồi mới cho bốc dỡ thủy sản xuống cảng. Tại âu thuyền và cảng cá hàng ngày luôn có lực lượng kiểm tra tàu thuyền cập bến, xuất bến, kiểm tra nhật ký khai thác. Nhờ đó, đến nay TP Đà Nẵng không có tàu cá vi phạm khai thác tại vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý.
Từ đầu năm đến nay, thành phố đã chỉ đạo, ưu tiên bố trí lực lượng công an, biên phòng, giao trách nhiệm cho chính quyền cơ sở tại các địa bàn trọng điểm tập trung thực hiện các biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, quản lý chặt chẽ hoạt động tàu cá xuất, nhập bến, đặc biệt là tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang. Đồng thời, tổng rà soát số lượng thực tế tàu cá, kể cả tàu của ngư Đà Nẵng và ngoài tỉnh neo đậu, hoạt động ra vào tại Âu thuyền, thống kê danh sách nhóm tàu cá “3 không”, tàu cá không đủ điều kiện để theo dõi, quản lý đội tàu đảm bảo không khai thác IUU.
Thống kê từ Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng cho thấy, đến nay, 100% tàu cá của ngư dân từ 15 m trở lên cập cảng được giám sát và truy xuất nguồn gốc sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng. Quy trình chặt chẽ này được thực hiện một cách đồng bộ đã góp phần nâng cao ý thức của ngư dân trong việc chấp hành các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp.
Bên cạnh khắc phục những khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, thời gian qua, ngành thủy sản Đà Nẵng cũng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, chủ động xây dựng quy chế phối hợp kiểm soát nghề cá với 11 tỉnh từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa, tập trung đầu tư các cơ sở hạ tầng nghề cá đồng bộ về âu thuyền, cảng cá, chợ đầu mối nhằm tạo mọi điều kiện cho ngư dân vào neo đậu, trao đổi mua bán thủy sản. Mạnh tay xử lý các lỗi vi phạm như không duy trì thiết bị giám sát hành trình, vi phạm việc khai thác trái vùng, trái tuyến, không tuân thủ việc chấp hành quy định nội quy cảng cá và một số vi phạm khác liên quan đến nhật ký khai thác.
Nguyễn Hằng
Theo ngành chức năng TP Đà Nẵng, hiện số lượng tàu cá khai thác ở vùng khơi chiếm 50% tổng số tàu cá của thành phố. Hàng năm cung cấp 35.000 - 36.000 tấn hải sản, giải quyết việc làm cho 6.000 lao động.