TP Hải Phòng: Nỗ lực phục hồi sản xuất sau bão

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – TP Hải Phòng là địa phương đầu tiên của miền Bắc đương đầu với siêu bão, đồng thời là tâm bão với cường độ mạnh nhất. Theo thống kê sơ bộ, có khoảng hơn 4.600 ha diện tích nuôi trồng thủy sản của thành phố bị hư hại. Sau cơn bão, người dân đã không ngừng nỗ lực phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống.

Thiệt hại nặng nề

Ngay sau khi bão số 3 tràn qua, đảo Cát Bà gần như bị cô lập hoàn toàn với đất liền. Hơn 100 cơ sở nuôi cá lồng, bè tại khu vực này đã bị ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt, tại bến Cái Bèo, hàng chục hộ dân nuôi cá báo cáo về việc các lồng bè của họ bị bão cuốn trôi hoặc phá hỏng hoàn toàn. Một số ngư dân khác tại Cát Bà cho biết nhiều lồng cá song và cá giò, vốn là các loài có giá trị cao, đã bị cuốn trôi. Có hộ dân nuôi cá song vua, với trọng lượng mỗi con lên tới 50 kg, đã mất sạch sau bão. Đặc biệt, lồng bè của nhiều hộ mới được đầu tư gần đây cũng không tránh khỏi thiệt hại, có hộ mất tới 6 bè cá, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. 

Nhiều cơ sở nuôi cá lồng, bè tại Cát Bà bị ảnh hưởng nặng nề. Ảnh: TTXVN

Tại Khu vực nuôi trồng thủy sản của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoa Thành tại phường Tân Thành, quận Dương Kinh cũng bị thiệt hại khá nặng. Đơn vị hiện có 3 ha nhà bạt nuôi tôm thẻ chân trắng, mỗi năm cho ra thị trường khoảng 17 tấn tôm thương phẩm. Cơn bão số 3 đi qua với sức gió quá mạnh đã khiến hệ thống nhà bạt bị hư hại.

Anh Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Hoa Thành cho biết: “Trước bão, công ty đã theo dõi tin tức tình hình để chuẩn bị phòng chống nhưng do đặc thù công việc nằm giữa khu vực trống, gần biển nên sức gió quá mạnh. Hiện công ty đang khắc phục thiệt hại để quay trở lại sản xuất”.

Theo thống kê sơ bộ, toàn thành phố có hơn 4.600 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, ước thiệt hại 1.162,2 tỷ đồng.

Chung tay vượt khó

Ngay sau khi bão qua, người nuôi tập trung vào khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, đây là điều không hề dễ dàng. Bởi có nhiều lồng bè bị hư hỏng hoàn toàn, cần thay thế hoặc sửa chữa với chi phí cao. Các loại cá giá trị như cá song, cá mú, cá giò bị thất thoát hoặc chết khiến ngư dân không có nguồn thu nhập để bù đắp tổn thất. Nhiều hộ đã vay mượn để đầu tư vào nuôi trồng thủy sản trước đó, nay không thể trả nợ và đối mặt với nguy cơ bị xiết nợ. Thêm vào đó, môi trường nước biển sau bão bị ô nhiễm do bùn, cát và các tạp chất từ đất liền trôi ra, làm tăng nguy cơ cá bị nhiễm bệnh. Nhiều ngư dân lo ngại rằng ngay cả khi họ tái thả giống, tỷ lệ cá chết vẫn sẽ cao nếu điều kiện môi trường không được cải thiện. Thời tiết sau bão cũng không thuận lợi cho việc tái đầu tư sản xuất. Mưa dầm kéo dài khiến việc sửa chữa lồng bè gặp khó khăn. Nhiều hộ nuôi không thể thả giống ngay do lo sợ bão hoặc mưa lũ tiếp tục xảy ra, khiến việc phục hồi sản xuất bị đình trệ.

Tuy nhiên, được sự hỗ trợ từ địa phương, người nuôi thủy sản tại Hải Phòng cũng đã chủ động sửa chữa, củng cố lại các lồng bè. Ở Cát Bà, nhiều hộ dân đã tự tay sửa chữa những lồng bè bị hỏng, dựng lại các căn chòi bị sập. Những hộ có điều kiện hơn đã đầu tư vào các lồng, bè chất liệu bền hơn như HDPE, giúp giảm thiểu thiệt hại trong tương lai.

Đồng thời, tích cực phối hợp cùng với địa phương, Sở NN&PTNT TP Hải Phòng để rà soát, thống kê thiệt hại, nhanh chóng tổ chức khắc phục ổn định tình hình sản xuất.

Chi cục Thủy sản TP Hải Phòng cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các đoàn công tác đến kiểm tra, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân trong việc sửa chữa lồng bè và tái đầu tư sản xuất. Nhiều tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp cũng tham gia vào quá trình cứu trợ, cung cấp giống cá và vật tư cho người dân. Cùng đó, cam kết hỗ trợ dài hạn để người dân có thể khôi phục sản xuất và phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Lê Loan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!