TP Hồ Chí Minh: Để ngành cá cảnh rộng đường bơi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nghề nuôi, kinh doanh và xuất khẩu cá cảnh tại TP Hồ Chí Minh được xem là nghề có tốc độ tăng trưởng mạnh và được chọn là lĩnh vực quan trọng để phát triển nền nông nghiệp đô thị. Tuy nhiên, để lĩnh vực này phát huy thế mạnh cần có những chính sách phù hợp.

Tiềm năng lớn

Theo Trung tâm Khuyến nông TP Hồ Chí Minh, cá cảnh được xác định là một sản phẩm tiềm năng, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố. TP Hồ Chí Minh có khí hậu phù hợp cho việc nuôi và phát triển cá cảnh nhiệt đới; đặc biệt là hệ thống kênh Đông Củ Chi, qua đó cung cấp nguồn nước ngọt chất lượng tốt cho nghề này. Bên cạnh đó, với vị thế là trung tâm kinh tế, xã hội lớn của đất nước, có sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, địa phương có điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thị trường cá cảnh, xuất khẩu cá cảnh đi các nước.

Cùng đó, chi phí sản xuất cá cảnh ở thành phố khá cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Trình độ, tay nghề cao của đội ngũ nghệ nhân cá cảnh cũng là những yếu tố quan trọng cho sự phát triển của nghề nuôi cá cảnh nơi đây. Theo thống kê, toàn thành phố hiện có khoảng 300 cơ sở sản xuất cá cảnh, phân bố chủ yếu ở một số quận vùng ven và một số huyện ngoại thành, với tổng diện tích 89 ha (chưa tính diện tích nuôi trong bể kính ở những cơ sở thuộc các quận trung tâm), tổng sản lượng mỗi năm khoảng 200 triệu con. Trong đó, đã có những cơ sở sản xuất quy mô lớn, từ những cơ sở chuyên về một loại cá như Discus House chuyên về cá đĩa, Việt Huấn chuyên về cá Koi, tới những cơ sở sản xuất, kinh doanh nhiều loại cá cảnh như Saigon Aquarium, Thiên Đức …

Các nghệ nhân tâm huyết với nghề cá cảnh ở TP Hồ Chí Minh đang mong muốn có những giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh hơn nữa ngành hàng này. Ảnh: ST

Các cơ sở nuôi cá cảnh ở TP Hồ Chí Minh hiện tập trung nhiều nhất tại các huyện Củ Chi và Bình Chánh. Với con cá cảnh, người nông dân thành phố có thể tận dụng những diện tích nhỏ làm bể kính, bể xi măng hay làm ao nuôi với chi phí đầu tư phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cá cảnh của thành phố hiện đã phủ khắp thị trường trong nước và được xuất khẩu tới khoảng 60 nước, trong đó chủ yếu là châu Âu (chiếm 50% cá cảnh xuất khẩu), Mỹ (20%), các nước châu Á và gần đây đã vươn tới một số thị trường mới, nhiều tiềm năng như Nam Phi, Trung Đông…

 

Gian nan chặng đường xuất khẩu

Theo Chi cục Thủy sản TP Hồ Chí Minh, thành phố là trung tâm cá cảnh và cũng là địa phương chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao nhất cả nước với 62% (tỉnh Tiền Giang ở vị trí thứ 2 với 13%). Xuất khẩu cá cảnh là một nghề mà Việt Nam có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên. TP Hồ Chí Minh có tổng diện tích nuôi cá cảnh gần 89 ha tập trung ở Bình Chánh và Củ Chi. Trong giai đoạn từ năm 2019 trở về trước, xuất khẩu cá cảnh của Việt Nam luôn tăng trưởng đều qua các năm. 

Năm 2003, thành phố có khoảng 150 cơ sở sản xuất cá cảnh, đến năm 2022 đã phát triển khoảng 300 cơ sở, tăng gấp 2 lần, tập trung chủ yếu ở Bình Chánh, Củ Chi (chiếm khoảng 80% trong tổng số 89 ha diện tích sản xuất cá cảnh của thành phố). Riêng trong lĩnh vực xuất khẩu, từ năm 2010 – 2019, tổng sản lượng cá cảnh xuất khẩu của thành phố mỗi năm đều tăng, trung bình 12%/năm (năm 2012 là 9,5 triệu con, đến năm 2019 là 21,5 triệu con). Tuy nhiên, giai đoạn 2020 – 2022, sản lượng đã giảm trên 30% vào năm 2021 (14,4 triệu con) và 6 tháng đầu năm 2022 là 6,5 triệu USD.

Bà Võ Thị Mộng Thu, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Hồ Chí Minh cho biết, khâu tổ chức sản xuất cá cảnh thành phố vẫn chưa có sự liên kết chặt chẽ. Vai trò của các Hội, Chi hội cá cảnh còn nhiều hạn chế. Hội viên phân tán và sau đó bị giải tán. Điều này chưa phát huy sức mạnh thực sự của các nghệ nhân có tâm huyết với cá cảnh thành phố. Mặt khác, điều quan trọng là số lượng tổ hợp tác và HTX cá cảnh còn ít, hoạt động chưa hiệu quả. Số hộ nuôi cá cảnh được tiếp cận chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố còn hạn chế.

Còn theo chia sẻ của đại diện Công ty CP sinh vật cảnh Thiên Đức, ngành cá cảnh hiện gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thị trường xuất khẩu. Xung đột giữa Nga – Ukraine kéo dài làm mất luôn 2 thị trường này. Kinh tế có nhiều biến động khiến các nước châu Âu và Mỹ giảm sâu nhập khẩu do giá vận chuyển và người mua ít lại. Đối với sản xuất trong nước, sau giai đoạn dịch bệnh nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đang muốn đầu tư mở rộng thêm thị trường để đón đầu quá trình phục hồi kinh tế nhưng thiếu nguồn vốn đầu tư vì doanh thu giảm sút trong thời gian qua.

Tìm hướng phục hồi

Năm 2021, TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 4310 về thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030; trong đó, phấn đấu đạt sản lượng cá cảnh sản xuất 300 triệu con, sản lượng cá cảnh xuất khẩu ước đạt 100 triệu con, giá trị kim ngạch ước đạt 100 triệu USD.

Theo đó, UBND thành phố sẽ thực hiện nâng cấp, mở rộng đưa vào sử dụng hiệu quả Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho lĩnh vực cá cảnh với quy mô 200 ha, ở xã Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi). Tập trung phát triển hệ thống sản xuất, hệ thống cung ứng và dịch vụ về cá cảnh, tập trung hình thành các vùng sản xuất cá cảnh. Thành lập và phát triển các tổ hợp tác, HTX, mạng lưới sản xuất, nhân giống cá cảnh. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng tập hợp các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nghệ nhân thành các tổ hợp tác, làng nghề, HTX cá cảnh trên các địa bàn trọng điểm, để tổ chức sản xuất và tiêu thụ cá cảnh. Hỗ trợ xây dựng và phát triển các cơ sở vệ tinh, nâng cao sản lượng sản xuất cá cảnh để cung cấp trực tiếp cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Cùng đó, thực hiện hỗ trợ ban đầu về giống cá cảnh cho các cơ sở, hộ nuôi phát triển mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi khác sang nuôi cá cảnh. Mức hỗ trợ là 50% về giống và 50% về thức ăn (theo Nghị định số 83 năm 2018 của Chính phủ).

Trong khuôn khổ Hội chợ – Triển lãm Giống và Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, lần VIII – năm 2022, diễn ra từ ngày 18/8 – 21/8/2022, Ban Tổ chức đã tổ chức Hội thảo cá cảnh trong sản xuất, tiếp cận thị trường trong nước và xuất khẩu. Hội thảo với mục đích tiếp tục phát huy thế mạnh cá cảnh là sản phẩm tiềm năng trong phát triển nông nghiệp đô thị của TP Hồ Chí Minh; nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất cả cảnh, xây dựng chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ, doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của ngành, thu hút ngày càng nhiều số lượng hộ sản xuất, doanh nghiệp, hoạt động trong lĩnh vực cá cảnh tham gia. Qua đó, định hướng phát triển cá cảnh theo xu hướng phát triển của thế giới, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2021 – 2030… 

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Thành, Tổng thư ký Hội Ngành nghề Nông nghiệp TP Hồ Chí Minh, cho biết không ở nơi đâu có điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi cá cảnh thuận lợi hơn nơi đây. Và thực sự, cá cảnh là một ngành thế mạnh của thành phố xét trên quy mô cả nước. Ngoài việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu, chợ cá cảnh TP Hồ Chí Minh là mơ ước chính đáng của rất nhiều hộ dân, nghệ nhân, doanh nghiệp.

Hồng Hạnh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!