Đó là mô hình của anh Nguyễn Văn Danh, tại tổ 24 ấp An Lộc, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ; khi thả nuôi 50.000 tôm giống trên diện tích 5.000 m², tỷ lệ sống khoảng 50%, trọng lượng tôm bình quân 35 – 40 g/con, giá bán 170.000 đồng/kg, sau trừ chi phí lợi nhuận 58 triệu đồng/1.000 m².
Mô hình tôm càng xanh với con giống nhân tạo
Mô hình do Trạm Khuyến nông Cần Giờ thuộc Trung tâm Khuyến nông TP Hồ Chí Minh chuyển giao cho người dân tại xã Bình Khánh và Tam Thôn Hiệp bằng con giống nhân tạo. Đây là đối tượng nuôi có khả năng thích nghi với điều kiện sinh thái, khí hậu tại huyện Cần Giờ, có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định, đã và đang là vật nuôi có triển vọng trong tương lai. Mô hình là nền tảng đa dạng hóa đối tượng thủy sản phát triển bền vững, phù hợp với tình hình sản xuất trong giai đoạn hiện nay của huyện Cần Giờ và phù hợp với biến đổi khí hậu trên địa bàn. Chia sẻ kinh nghiệm thành công, anh Danh cho biết, nếu bà con nuôi tôm thực hiện đúng quy trình chăm sóc đã được khuyến nông hướng dẫn, tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật như sử dụng chế phẩm sinh học trong quản lý sức khỏe tôm nuôi, thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường (pH, độ mặn, độ kiềm…) ao nuôi, sử dụng và điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp với giai đoạn phát triển của tôm…, sẽ góp phần hạn chế rủi ro do bệnh và mang lại lợi nhuận cao.