(TSVN) – Là địa phương có nghề cá phát triển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, những năm qua, TP Vũng Tàu đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản, cải thiện đời sống của ngư dân. Việc Hội Nghề cá TP Vũng Tàu được thành lập và đi vào hoạt động là minh chứng cho những nỗ lực của địa phương trong việc cùng cả nước chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU và hướng đến nghề cá phát triển hiệu quả và bền vững hơn.
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, TP Vũng Tàu là một trong những trung tâm nghề cá lớn của cả nước và là địa phương có năng lực khai thác lớn của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Điều này được thể hiện trên cả bốn lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần thủy sản. Cơ cấu nghề khai thác chuyển dịch theo hướng đa nghề và khuyến khích phát triển các nghề có hiệu quả kinh tế cao, khai thác có tính chọn lọc để bảo vệ nguồn lợi hải sản, bảo vệ môi trường sinh thái biển.
Lãnh đạo TP Vũng Tàu tặng hoa chúc mừng Hội Nghề cá TP Vũng Tàu. Ảnh: Ngọc Minh
Chính vì vậy, thời gian qua, địa phương rất quan tâm đến việc phòng chống khai thác IUU, nhất là ngăn chặn tàu khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài. Ngoài tổ chức tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác, đánh bắt trên ngư trường của thành phố, lực lượng chức năng, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức đoàn thể TP Vũng Tàu còn tuyên truyền, giáo dục nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, quyết tâm sớm khắc phục “thẻ vàng” của EC.
Năm 2024, TP Vũng Tàu quyết tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chống khai thác IUU bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức cho các ngư dân và các cấp, các ngành có liên quan về phòng, chống khai thác IUU gắn với phát triển bền vững nghề đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ được nguồn lợi. Đặc biệt là tăng cường công tác tuyên truyền cũng như thực hiện tốt các biện pháp giám sát chủ động như lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, nhằm ngăn chặn kịp thời các tàu cá Vũng Tàu vi phạm vùng biển nước ngoài trong quá trình hành nghề.
Cùng đó, địa phương cũng xây dựng quy hướng dẫn thi hành, rà soát, xác định nguyên nhân tàu cá có chiều dài từ 15 m trở chế phối hợp với các địa phương ven biển để kiểm soát tàu cá của thành phố hoạt động trên địa bàn ngoài thành phố. Rà soát các điểm tàu cá cập bến bốc dỡ thủy sản khai thác tại cảng cá. Tổ chức giám sát và truy xuất nguồn gốc 100% sản lượng thủy sản khai thác được bốc dỡ trên địa bàn thành phố; đảm bảo 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên phải cập cảng chỉ để bốc dỡ thủy sản. Thuyền trưởng, chủ tàu cá phải thông báo trước khi cập cảng và thực hiện ghi, nộp nhật ký khai thác theo quy định; kiểm tra, đối chiếu thông tin trong nhật ký khai thác đảm bảo phù hợp với dữ liệu giám sát tàu cá. Thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT; đảm bảo 100% các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu và các thị trường khác có yêu cầu truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác…
Triển khai Kế hoạch phối hợp ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân Vũng Tàu vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản trái pháp luật IUU năm 2024: Tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho ngư dân thực hiện khai thác theo đúng quy định của Luật Thủy sản và các văn bản liên quan; phối hợp xử lý tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình; kiểm tra việc xuất, cập bến của tàu cá tại các cảng cá trên địa bàn. Mặt khác, đề nghị các chủ tàu cá cam kết không khai thác hải sản trên vùng biển nước ngoài và cam kết không vi phạm về cấm khai thác các loài động vật, thực vật biển của Việt Nam và quốc tế đối với những chủ tàu cá chưa thực hiện cam kết. Ngoài ra, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho ngư dân; ưu tiên bố trí nguồn lực, trang thiết bị và nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá…
Cùng với nghề cá cả nước, hoạt động sản xuất, khai thác thủy sản của TP Vũng Tàu cũng đối diện với không ít thách thức đó là: Giá dầu thế giới tăng mạnh, đầu ra của thủy, hải sản không ổn định, một số quy định của Chính phủ, Bộ NN&PTNT quản lý chặt chẽ hơn, đặc biệt là cảnh cảnh báo “thẻ vàng” IUU của EC, càng làm cho mặt hàng hải sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận với thị trường EU…
Trước thực tế đó, nghề cá phải nhìn nhận lại trong phương thức khai thác, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm của mình nhằm nâng cao giá trị hàng hóa. Đây là tiêu chí quan trọng cần thiết, đòi hỏi ngư dân phải đổi mới tư duy, nâng cao tính liên kết, liên doanh, gắn kết và lan tỏa sâu rộng đến từng chủ tàu, đến từng ngư dân.
Chính vì vậy, ngày 29/3, Hội Nghề cá TP Vũng Tàu đã được thành lập tại Quyết định số 102/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, gồm 60 thành viên là các ngư dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hậu cần nghề cá trên địa bàn thành phố. Ông Nguyễn Văn Tôn được bầu làm Chủ tịch Hội Nghề cá TP Vũng Tàu khóa I, nhiệm kỳ 2024 – 2029.
Trong Đại hội thành lập Hội Nghề cá TP Vũng Tàu khóa I, nhiệm kỳ 2024 – 2029; ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu mong muốn Hội Nghề cá thành phố tập trung xây dựng tổ, đội khai thác, dịch vụ, phát huy chuỗi liên kết cung ứng, nâng cao giá trị sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm khai thác, chế biến, nuôi trông thủy sản và tiêu thụ sản phẩm, giúp đỡ hỗ trợ khai thác sử dụng các trang thiết bị, máy móc mới hiện đại… Tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc; phối hợp cùng thành phố nỗ lực tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC.
Theo Sở NN&PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu, sản lượng khai thác thủy sản 2 tháng đạt 63.752 tấn, tăng 2,63% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, sản lượng khai thác của các loại nghề lưới rê, vây, câu mực tăng, nhất là nhóm đối tượng hải sản có giá trị kinh tế như: mực ống, bạch tuộc, cá cờ, cá ngừ, cá thu…
Vân Anh