Vùng biển xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt dần nguồn lợi thủy sản do hàng trăm người dân địa phương từ các nơi khác đến lén lút đóng đáy bằng lưới mùng ven biển (miệng đáy có chiều ngang từ 5 – 7 m, sử dụng lưới có mắt nhỏ như mùng ngủ).
Ông Đào Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hải cho biết, từ năm 2010, dọc theo chiều dài 16 km bờ biển của xã bắt đầu xuất hiện một số ghe từ các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng lén lút đến cắm trụ đáy ven bờ rồi sử dụng lưới mùng để đóng đáy đánh bắt các con giống thủy sản như: cua biển, cá kèo, cá chẽm… Việc khai thác thủy sản này đầu tư vốn ít, nhưng lại cho lãi cao nên đã thu hút nhiều hộ dân, nhất là dân nghèo tham gia.
Tính đến nay, chỉ riêng người dân ở địa phương đã có hơn 200 hộ ở các ấp như Hồ Tàu, Hồ Thùng, Phước Thiện, sử dụng trên 600 miệng đáy bằng lưới mùng lén lút khai thác nguồn lợi thủy sản. Nếu tính cả các tỉnh khác đến thì ven bờ biển Đông Hải có hơn 1.000 miệng đáy mùng đang hoạt động cả ngày lẫn đêm.
Việc khai thác nguồn lợi thủy sản bằng đáy mùng ở xã Đông Hải đã vượt quá xa khả năng quản lý và kiểm soát của chính quyền địa phương. Ông Đào Văn Chính cho biết thêm, nguồn nhân lực và phương tiện của địa phương tuy có hạn chế, nhưng UBND xã vẫn thường xuyên tổ chức kiểm tra ngăn chặn, xử phạt các đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng khai thác nguồn lợi thủy sản trái phép vẫn cứ tiếp diễn. Bởi lẽ, mức xử phạt hành chính được qui định đối với cấp UBND xã tối đa là 2 triệu đồng, chưa đủ sức để răn đe. Bình quân, một miệng đáy bằng lưới mùng có chiều ngang từ 5m – 7 m, đánh bắt trong một con nước lớn có thu nhập ít nhất từ 500.000 đồng – 3 triệu đồng, nên họ bất chấp việc bị xử phạt. Mặt khác, khi thấy lực lượng kiểm tra, các đối tượng này đều bỏ chạy hoặc không thừa nhận phương tiện đáy lưới mùng là của họ nên không thể lập biên bản xử phạt.
Do tình trạng đóng đáy bằng lưới mùng ồ ạt và kéo dài trong mấy năm qua, hậu quả đã dẫn đến nguồn lợi thủy sản ở vùng biển xã Đông Hải sụt giảm đáng kể, gây thất thu lớn cho hơn 1.000 khẩu đáy biển của 300 hộ dân trong xã. Ông Huỳnh Thành Thái, ở ấp Định An, xã Đông Hải cho biết, hai năm nay, sản lượng cá tôm mà gia đình ông khai thác được đã sụt giảm 6 – 7 lần; sản lượng đánh bắt được có giá trị kinh tế không cao, rất ít lượng tôm biển, cá chét, cá thu… như trước đây. Không chỉ riêng gia đình ông Thái, mà sản lượng khai thác thủy sản toàn xã Đông Hải cũng đã sụt giảm nhiều về giá trị kinh tế. Theo báo cáo của UBND xã Đông Hải, trong 2 năm qua, sản lượng khai thác thủy sản của xã đạt bình quân 15.000 tấn, nhưng sản lượng tôm chỉ đạt chưa đến 5.000 tấn, ít hơn vài năm trước từ 2.000 – 3.000 tấn.