Trà Vinh: Cá lóc khiến cây mía “mốc gốc”

Chưa có đánh giá về bài viết

Chỉ 5 tháng nuôi cá lóc trên diện tích 1.000m2, người nuôi ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh đã thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng, trong khi trồng mía cả năm chỉ thu được khoảng 2 triệu đồng. Vì thế, nhiều hộ dân rủ nhau bỏ cây mía, lấy đất đào ao nuôi cá lóc.

Lợi đã thấy…

Ông Phan Văn Giảng (ấp Xa Xi, xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú) đã bỏ mía, đào 2 ao trên diện tích hơn 1.000m2 để nuôi cá lóc. Ông Giảng nói, trồng mía cả năm 1 công đất (1.000m2) thu được hơn 7 triệu đồng, trừ chi phí chẳng còn đồng lãi nào; thấy nhiều người ở thị trấn Định An nuôi cá lóc lãi cao gấp 50 lần trồng mía nên ông học theo.

Nuôi cá lóc hiện lãi cao 50 lần trồng mía

Ông Nguyễn Thành Như đang làm công nhân cho một công ty ở xã Lưu Nghiệp Anh cũng bỏ tiền mua đất trồng mía với giá 55 triệu đồng/1.000m2 để đào ao nuôi cá lóc. Hiện, 4 ao cá có tổng diện tích mặt nước 1.600m2 đã thả có giống nuôi. Không chỉ nông dân, công nhân, kể cả “đại gia” ở thị trấn Trà Cú cũng kêu kobe đào ao tại đây để nuôi cá lóc. Chính quyền địa phương hay tin đến lập biên bản để nhớ, còn việc người dân tự phát thì không thể cản.

Chúng tôi xin phép chụp hình chiếc Kobe đang móc gốc mía của ông Phan Văn Phước (ấp Xa Xi), ông Phước xởi lởi: Gia đình có gần 1 ha mía nhưng vụ mía 2012 – 2013 chỉ thu được khoảng 20 triệu đồng lãi, không đủ nuôi 6 miệng ăn. Hiện, 3 đứa con phải đi làm công nhân khu công nghiệp trong huyện Trà Cú. Thấy nhiều người nuôi cá lóc lãi quá nên quyết định “hy sinh” 500m2 mía 3 tháng tuổi, đào ao nuôi cá lóc. Ông Phước tính, thị trường cá lóc ổn định mức giá 38.000 – 39.000 đồng/kg như hiện tại thì sau 5 tháng thả nuôi sẽ thu lại đủ cả vốn lẫn lãi. Từ vụ thứ 2 về sau không còn khấu hao tiền đào ao thì chắc chắn lãi cao.

Máy xúc Kobe đang móc gốc mía cho ông Phan Văn Phước (ấp Xa Xi) để nuôi cá lóc.

Ông Tăng Văn Nhường (ấp Vịnh, xã Lưu Nghiệp Anh) vui ra mặt khi ao  1.000m2 chuẩn bị thu hoạch khoảng 15 tấn cá. Ông nhẩm tính, với giá cá 38.000 đồng/kg, chắc chắn thu lãi trên 100 triệu đồng; trừ 40 triệu đồng chi phí đào ao, vẫn còn lãi 60 triệu đồng. Ông Nhường nói: Gia đình có 5.000m2 trồng mía hơn 10 năm vẫn không làm giàu được. Thấy anh em, bạn bè nuôi cá lóc thu lợi nhuận quá cao nên đã vay tiền ngân hàng kêu Kobe đào 1.500m2 đất mía làm 2 ao nuôi cá lóc. Ao nhỏ 500m2 để ương dưỡng cá nhỏ đến 2 tháng tuổi chuyển sang ao lớn 1.000m2 nuôi đến khi thu hoạch. Cứ thế một năm nuôi 2 vụ cá lóc, lãi cầm chắc 200 triệu đồng.

 

Hại đã tính?

Ông Thái Hoàng Đang, Chủ tịch UBND xã Lưu Nghiệp Anh cho biết: Đến nay toàn xã đã có 16,75 ha đất trồng mía chuyển sang đào ao nuôi cá lóc, tăng gấp đôi năm 2012. Chính quyền địa phương đã khuyến cáo người nuôi nên thận trọng với đầu ra của cá lóc; đã nói rõ không có chủ trương phát triển cá lóc, ai tự ý nuôi cá lóc kiểu đó sẽ không có chính sách hỗ trợ.  

Ông Thạch Sô Phanh, Phó phòng NN&PTNT Trà Cú cho biết: Thời gian qua con cá lóc đã giúp nhiều hộ dân thị trấn Định An, Hàm Giang… làm giàu, nên năm nay nhiều hộ dân các xã trồng mía (Lưu Nghiệp An, An Quảng Hữu, Kim Sơn…) đã tự phát đào ao nuôi rất nhiều. Nếu như năm 2012, toàn huyện có 660 hộ thả nuôi cá lóc trên diện tích hơn 100 ha thì đến nay con số đó đã tăng 2 – 3 lần. Phòng NN&PTNT huyện đang thống kê diện tích mía bị như vậy, báo cáo để cấp trên có hướng chỉ đạo xử lý. Với đà tự phát như hiện nay, có nhiều khả năng ảnh hưởng đến vùng quy hoạch mía nguyên liệu và môi trường nước. Tài nguyên nước và đất do Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý, Sở NN&PTNT chỉ quản lý phát triển trên mặt đất. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương quản lý chặt việc người dân lấy đất lúa chuyển sang nuôi thủy sản và vấn đề khoan giếng nước ngầm nuôi cá lóc. Thế nhưng tại Định An, vùng nuôi cá lóc tập trung khoảng 100 ha đã ô nhiễm môi trường nước trầm trọng, dịch bệnh khiến cá chết hàng loạt. Nhiều người dân Định An đang đổ xô về các xã Lưu Nghiệp Anh, Ngãi Xuyên, An Quảng Hữu, Kim Sơn… thuê hoặc mua đất để tiếp tục đào ao nuôi cá lóc. Giá đất mía gần sông Trà Cú đã tăng lên hơn 70 triệu đồng/1.000m2.

Ông Phanh cho biết: Toàn huyện Trà Cú đã có khoảng 300 ha mía bị bỏ để đào ao nuôi cá lóc và chuyển sang cây trồng khác. Việc người dân tự phát chuyển đổi đất mía, đất lúa sang nuôi trồng thủy sản, nhất là đào ao nuôi cá lóc cần phải được quản lý chặt, phải có biện pháp chế tài mạnh, còn để kéo dài sẽ phá vỡ quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp từng địa phương trên địa bàn huyện Trà Cú.

Đấy là về vĩ mô, còn vi mô thì theo ông Nhường: “lợi nhuận cao đã rõ nhưng vẫn phấp phỏng đầu ra. Hiện tại, ở Trà Cú, việc bỏ cây mía đào ao nuôi đang ồ ạt tự phát, không theo quy hoạch. Đến lúc cung vượt cầu, môi trường ô nhiễm… thì sẽ ra sao? Cứ đua nhau kiểu này thì chẳng mấy lâu sẽ khối người ôm nợ”.

>> Theo ông Tăng Văn Nhường, để có vốn đào ao, mua giống, thức ăn và thuốc thú y 2 tháng đầu, người nuôi cá phải tự lo. Vốn phải vay ngân hàng. Như vậy, nếu thị trường cá lóc không ổn định thì cây mía không thể gánh được nợ cho cá lóc.

An Bình

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!